Với ‘Make in India’, liệu gã khổng lồ Nam Á có thể vượt Trung Quốc để trở thành công xưởng lớn nhất thế giới?
Ấn Độ đang tìm cách tận dụng làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc khi các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu trước khi cánh cửa cơ hội đóng lại với nước này.
- 11-03-2024Liên tiếp lập kỷ lục lịch sử, thị trường vàng toàn cầu ‘điên loạn’ vì cơn khát từ Trung Quốc, đi ngược lại xu thế đổ tiền vào chứng khoán, tiền số của Phương Tây
- 11-03-2024Nhật Bản chính thức thoát suy thoái kỹ thuật, lội ngược dòng tăng trưởng 0,4%
- 11-03-2024Lý giải nguyên nhân vàng, bitcoin và chứng khoán đều đạt mức 'đỉnh' mới
Khi ông Ganesh Sethuraman chuyển đến Ấn Độ vào năm 2023 để thành lập một cơ sở sản xuất mới cho JLK Automation có trụ sở tại Singapore, ông nhanh chóng nhận ra rằng cần phải kiên trì mới có thể kinh doanh tại quốc gia này.
“Sau khi quyết định địa điểm, chúng tôi dự kiến sẽ mất ba tháng để hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ, nhưng mọi việc phải mất hơn sáu tháng. Tôi nhớ có lần tôi đã phải ký 150 chữ ký vì có rất nhiều tài liệu!” người đàn ông 34 tuổi nói.
JLK – nhà sản xuất thiết bị kiểm tra điện tử, chọn Ấn Độ là nơi đặt nhà máy đầu tiên của công ty bên ngoài Trung Quốc và Singapore. Theo chân các khách hàng quan trọng của mình – bao gồm Foxconn và Pegatron, JLK đã chọn bang Tamil Nadu – nơi ông Sethuraman sinh ra và lớn lên.
Cơ hội từ chiến lược “Trung Quốc+1 ”
Các nhà sản xuất nước ngoài như Huyndai, Samsung, Toyota và Suzuki từ lâu đã sản xuất ô tô và thiết bị cho thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, JLK là một phần trong làn sóng mới các nhà sản xuất đa quốc gia đổ xô đến Ấn Độ khi các công ty cân nhắc chiến lược “Trung Quốc+1” (chiến lược kinh doanh khuyến khích các nhà đầu tư đa dạng hóa đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc).
Cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm tìm kiếm các trung tâm sản xuất mới diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ấn Độ khi quốc gia đông dân nhất thế giới này đang tìm cách hưởng lợi từ quy mô dân số khổng lồ của mình. Hơn 65% dân số, tương đương 808 triệu người, ở độ tuổi lao động dưới 35 tuổi và có khả năng làm việc với mức lương bằng 1/5 đến 1/3 mức lương hàng ngày của Trung Quốc hiện nay.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga gọi thời điểm này là “cơ hội chỉ mở trong thời gian ngắn” - từ 3 đến 4 năm cho Ấn Độ, trước khi các chuỗi cung ứng thay thế được thiết lập. Một số nhà kinh tế ước tính cánh cửa cơ hội sẽ mở ra tới 10 năm.
Thủ tướng Narendra Modi năm 2014 đã phát động chiến dịch “Make in India” để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng là đẩy tỷ trọng ngành sản xuất lên 25% GDP vào năm 2022 đã không thành công và thời hạn được lùi đến năm 2025. Theo chính phủ, ngành sản xuất hiện chiếm 17% GDP.
Thực tế, ngành sản xuất của Ấn Độ đang phát triển, với xuất khẩu đạt kỷ lục 447,46 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023, tăng so với mức 422 tỷ USD của năm trước đó.
Các nhà sản xuất lớn như Foxconn và gần đây nhất là ông lớn bán dẫn Micron Technology của Mỹ đã lần đầu tiên dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ lần lượt vào năm 2022 và 2023.
Boeing đã mở trung tâm kỹ thuật lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ tại trung tâm công nghệ Bengaluru, trong khi GE Aerospace đang sản xuất nhiều bộ phận máy bay hơn tại nước này để phục vụ xuất khẩu. Hãng xe điện VinFast đến từ Việt Nam cũng vừa động thổ nhà máy sản xuất xe điện ở Tamil Nadu.
Ngành sản xuất điện tử đặt mục tiêu đạt 300 tỷ USD vào năm 2026
Quy mô ngành sản xuất điện tử của Ấn Độ đã tăng 2,4 lần, từ 30 tỷ USD năm 2014 lên 101,9 tỷ USD vào năm 2022. Nước này đặt mục tiêu đạt 300 tỷ USD vào năm 2026.
Khi các hãng sản xuất điện tử giá trị cao tìm kiếm cơ hội ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan và Mexico, thì chính phủ của Thủ tướng Modi đang thu hút các công ty đa quốc gia bằng các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế nhiều hơn bao giờ hết.
Kết quả là, vào năm 2023, Ấn Độ trở thành quốc gia sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới với 2 tỷ thiết bị, chỉ đứng sau Trung Quốc. Xuất khẩu hàng điện tử tăng từ 8,4 tỷ USD năm 2018-2019 lên 22,7 tỷ USD năm 2022-2023. Hơn một nửa mức tăng đến từ xuất khẩu điện thoại di động.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách về chuỗi cung ứng thiết bị điện tử
Dẫu vậy, các nhà sản xuất nước ngoài ở Ấn Độ phàn nàn rằng sản lượng này vẫn không sánh được với Trung Quốc vì họ phải chịu mức thuế từ 8,5%-15% đối với khoảng 80%-90% linh kiện điện thoại nhập khẩu. Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ báo cáo rằng Trung Quốc và Việt Nam có mức thuế trung bình thấp hơn, ở mức 0,7%. Để đáp lại, chính phủ Ấn Độ vào ngày 31/1 đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện điện thoại di động xuống còn 10% từ mức 15%.
Tuy nhiên, để đạt được “khả năng cạnh tranh lâu dài”, “nhiệm vụ thực sự của chính phủ là cải thiện hệ sinh thái cung cấp linh kiện cho các công ty đa quốc gia”, Thư ký Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin S. Krishnan nhận định. Ông cho biết đợt ưu đãi tiếp theo của chính phủ sẽ tập trung vào sản xuất linh kiện điện tử.
Thúc đẩy ngành bán dẫn
Cú hích tiếp theo trong chuỗi điện tử là sản xuất chip bán dẫn, được thúc đẩy bởi sự gia nhập của Micron. Chính quyền Trung Quốc đã cấm Micron tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn vào tháng 5/2023 nhằm trả đũa việc Washington hạn chế Bắc Kinh tiếp cận công nghệ quan trọng.
Nhận thấy cơ hội, chính quyền Ấn Độ đã hành động với tốc độ cực nhanh để rũ bỏ hình ảnh đất nước như một con voi ì ạch và tận dụng những cơn gió ngược toàn cầu. Chính phủ đã phê duyệt dự án của Micron vào tháng 6/2023. Vào ngày 23/9, nhà máy trị giá 2,7 tỷ USD đã được khởi công và được hưởng khoản trợ cấp trị giá 1,34 tỷ USD theo chương trình ưu đãi bán dẫn của chính phủ nước này.
Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ ngày 29/2 cũng đã phê duyệt dự án của 3 công ty bán dẫn với khoản đầu tư hơn 15 tỷ USD, bao gồm của Powerchip Semiconductor (Đài Loan-Trung Quốc), Renesas (Nhật Bản) hợp tác với Stars Microelectronics (Thái Lan), và Tata Semiconductor Assembly and Test Private Limited ở Morigaon, Assam.
Chặng đường dài để đối trọng với Trung Quốc
Quỹ đạo tăng trưởng của Ấn Độ rất độc đáo. Không giống như các nền kinh tế Trung Quốc và phương Tây – vốn được xây dựng dựa trên công nghiệp hóa, sự trỗi dậy của Ấn Độ được dẫn dắt bởi lĩnh vực dịch vụ, một phần nhờ vào năng lực công nghệ thông tin của nước này. Giai đoạn 2022-2023, mảng dịch vụ đóng góp tới 53% GDP.
Do nỗ lực thúc đẩy sản xuất chỉ tăng tốc trong những năm gần đây, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ phải vạch ra lộ trình riêng cho mình. Nhà kinh tế học Arvind Subramanian, cựu cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ, tin rằng nước này nên tập trung vào một hoặc hai lĩnh vực. “Tôi không có vấn đề gì với việc Ấn Độ bắt đầu sản xuất chất bán dẫn từ công đoạn lắp ráp. Bởi vì việc đó đang mang lại việc làm, và sau đó sẽ chuyển sang các công đoạn tiên tiến.” Nhưng ông cảnh báo rằng “trong tương lai, ngay cả những hoạt động thâm dụng lao động này cũng sẽ đòi hỏi ít công nhân hơn do tự động hóa”. Vì thế, nâng cấp sản xuất là rất quan trọng để Ấn Độ duy trì mức tăng trưởng cao, giảm đói nghèo và tạo việc làm.
Theo chính phủ, ước tính tăng trưởng của Ấn Độ trong giai đoạn 2023-2024 là 7,6%. Thúc đẩy sản xuất được dự báo sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng lên 8% trong vài năm.
Các chuyên gia và nhà công nghiệp đều cho rằng mặc dù tiềm năng là có nhưng Ấn Độ vẫn còn chặng đường dài để đối trọng với Trung Quốc – quốc gia chiếm 31% thị phần sản xuất toàn cầu so với 3,1% của Ấn Độ.
Ấn Độ có 246.504 nhà máy và hơn 3.800 khu công nghiệp với lực lượng công nhân là 35,6 người. Trong khi đó, Trung Quốc có 2,8 triệu nhà máy và hơn 20.000 khu công nghiệp với 83 triệu công nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc phải mất 20 năm để vươn lên từ quốc gia sản xuất lớn thứ sáu thế giới vào năm 1990 lên vị trí dẫn đầu vào năm 2010, vượt qua Mỹ. Còn vào năm 2020, Ấn Độ đã đứng thứ sáu.
Những hòn đá tảng
Các nhà đầu tư nói với The Straits Times rằng họ bị thu hút bởi những khoản ưu đãi nhiệt tình của chính phủ, thị trường nội địa rộng lớn, hiệu quả chi phí cao và nguồn lao động dồi dào, kể cả là lao động phổ thông lẫn kỹ sư chuyên môn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng chỉ ra vấn đề đó là cơ sở hạ tầng còn yếu kém và bộ máy quan liêu trì trệ.
Một báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston xác định Ấn Độ là cường quốc sản xuất xuất khẩu trong tương lai, nhưng cũng nhấn mạnh “có ít hiệp định thương mại tự do với các quốc gia ngoài các nước thành viên ASEAN” là một điểm yếu.
“Lựa chọn đầu tiên của hầu hết các công ty khi xem xét “Trung Quốc+1” là Việt Nam, Philippines và các quốc gia mà không có quá nhiều khác biệt về mặt văn hóa và thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa,” ông Rajeev Singh, đối tác và lãnh đạo ngành hàng tiêu dùng tại Deloitte Châu Á Thái Bình Dương cho biết.
Chính phủ đang nỗ lực khắc phục những khoảng trống này, bao gồm ra mắt hệ thống một cửa để giúp các doanh nghiệp thông quan nhanh hơn, cũng như đầu tư gấp đôi vào đường cao tốc và bến cảng.
Nhưng quá trình chuyển đổi diễn ra chậm chạp. Ông Ajit Shah, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Sanand, lưu ý rằng không phải ai cũng được như phê duyệt nhanh như Micron. “Thông thường, có giải pháp một cửa, nhưng có nhiều cánh cửa đằng sau nó”, ông nói.
Những cú sốc văn hóa và mối quan hệ bằng hữu
Ông Jules Shih, Giám đốc Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (Trung Quốc) tại Chennai, cho biết một cú sốc văn hóa lớn đối với các công ty Đài Loan ở Ấn Độ là “sự chậm chạp cực độ” trong quá trình xử lý giấy tờ của chính phủ. Một nguyên nhân khác là năng suất của công nhân Ấn Độ thấp hơn. Nhiều người trong số họ chưa bao giờ làm việc trong các nhà máy.
Ông Paul Wang, giám đốc kinh doanh của TSMT Technology – hãng sản xuất bảng mạch cho điện thoại của Đài Loan, đã đến Chengalpattu từ năm 2017. Ông nói rằng mặc dù mức lương ở Ấn Độ chỉ bằng 1/3 so với ở Trung Quốc, nhưng hiệu suất làm việc thấp gần như khiến khoản chi phí nhân công mà công ty có thể tiết kiệm được không đáng là bao.
TSMT tuyển dụng 800 người trong nhà máy của mình, phần lớn trong số họ là người địa phương ở độ tuổi 20. “Không phải là công nhân Ấn Độ kém tay nghề hơn, chỉ là thái độ làm việc của họ rất khác nhau. Mỗi ngày có 10% công nhân vắng mặt. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 1% mỗi ngày. Chúng tôi phải tuyển thêm lao động hợp đồng để đáp ứng mục tiêu sản xuất”, ông Wang nói.
Ông Wang đã sống ở Ấn Độ được bảy năm cùng vợ và hai con. Ông cho biết: “Ở Đài Loan, kinh doanh là vì lợi ích, không có chuyện cá nhân xen vào. Ở Ấn Độ, kinh doanh được xây dựng thông qua tình bằng hữu”. Cái nhìn này đã giúp TSMT trụ vững ở một đất nước xa lạ cả về ngôn ngữ hoặc văn hóa. Công ty đang xây dựng một nhà máy mới tập trung vào xuất khẩu.
Theo The Straits Times
Nhịp Sống Thị Trường
- Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Thành phố công nghiệp top đầu chìm vào ‘giấc ngủ’, hàng loạt nhà máy đóng cửa, người trẻ lũ lượt di cư bỏ lại nhà cửa trống rỗng
- Vỡ mộng chuyện cầm chưa đến 250 triệu đồng mua được căn nhà đất tại nền kinh tế lớn thứ tư thế giới: Món hời hay ‘hố đen hút tiền’?
- Ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giờ đây bị gán mác ‘gã ốm yếu’ của châu Âu, bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa trong kỷ nguyên công nghệ
- Buồn của Trung Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục, người trẻ lũ lượt về quê ‘nghỉ hưu non’, ‘viện dưỡng lão’ cho thanh niên mọc lên nhan nhản
- Trung Quốc rộ lên xu hướng 'suất ăn cho người nghèo', chuyên gia nhận định tình hình hiện tại như 'thập kỷ mất mát' ở Nhật Bản