Với một số quốc gia, nội việc sắm dụng cụ học tập cho con cũng mất đến... tiền tỉ
Cũng may, số tiền ấy không biến mất trong vòng 1 năm, mà trải rộng từ lúc con bắt đầu đi học cho đến khi học xong phổ cập giáo dục.
Nỗi lo toan mang tính toàn cầu
Cứ mỗi mùa thu sang, các bậc phụ huynh trên khắp thế giới lại chộn rộn lo sắm sửa cho con cái vào năm học mới. Cái thước, cái bút, quyển sách, tập vở... cứ ngỡ chẳng đáng là bao, ai ngờ cũng tốn kém dữ dội.
Tất nhiên là không phải mọi quốc gia đều khai giảng vào mùa thu, nhưng phần nhiều là thế. Và ai nấy trong chúng ta cũng đã quen với khái niệm "mùa thu là mùa của tựu trường".
Bạn có đang bận bịu cái áo, cái quần cho con vào năm học mới không? Bạn có thấy hầu bao vơi đi vùn vụt vì những nhu yếu phẩm học sinh lặt và lặt vặt ấy? Nếu có cũng xin đừng vội thở than! Việt Nam chưa bao giờ (có khả năng là sẽ chẳng bao giờ) nằm trong top những quốc gia siêu tốn kém vì cho con ăn học cả.
Mức giáo dục phổ cập tiêu chuẩn của thế giới hiện nay là trung học cơ sở. Điều này cũng có nghĩa chí ít thì một bậc cha mẹ cũng có trách nhiệm cho con em ăn học hết cấp II.
Một gia đình tốn kém hết bao nhiêu để một con em họ tốt nghiệp cấp II ư? Cái này thì mỗi quốc gia một khác. Nhưng về cơ bản thì đồ dùng học sinh "ngốn" hết nhiều tiền nhất là máy tính, tiếp đến là quần áo, cuối cùng là sách, vở, bút, thước, tẩy, kéo... Tùy vào điều kiện, một phụ huynh có thể mua cho con tất cả hoặc chỉ mua những thứ cần thiết nhất thôi.
Học ít hay nhiều thì tốt hơn?
Trong 33 quốc gia phát triển nhất thế giới hiện tại thì học sinh tiểu học của Nga là sướng hơn cả. Chúng chỉ phải học cỡ 500 giờ trong suốt cả năm học. Trung bình, số giờ học trên một năm của học sinh khắp thế giới là 800 tiếng.
Nhưng bạn đừng nghĩ cứ phải nhồi nhét kiến thức mới là hay nhé! Trẻ em Nga chơi là chính nhưng tỷ lệ biết đọc biết viết của họ vẫn là 100%.
Học sinh ở Nga chơi là chính mà ai cũng học được
Trái ngược với Nga, Đan Mạch ép bậc tiểu học phải ngồi khoảng 1.000 giờ trong lớp trên một năm học. Đổi lại, họ liên tục là quốc gia có thành tích giáo dục cao nhất nhì thế giới. Tính ra thì "bắt" con trẻ học nhiều cũng không hẳn là quá tệ?
Chỉ tiền sắm sửa đồ dùng học sinh cũng đã hết cả tiền tỷ
Nhưng nói đến tốn kém tiền bạc sắm sửa cho con ăn học nhất thì phải kể tới Hong Kong (Trung Quốc). Trong khi các nước phát triển như Mỹ, Nga mới chỉ tốn chừng 685 đô Mỹ (tương đương 16 triệu VNĐ) là đủ để mua dụng cụ học tập cho con em dùng từ mẫu giáo đến hết cấp II, thì phụ huynh sống tại Hong Kong lại tốn những... 100.000 đô (tương đương 2,33 tỷ VNĐ).
Tại Hong Kong (Trung Quốc), chi phí dành cho dụng cụ học tập của một đứa trẻ có thể lên tới tiền tỉ
Nếu tính thêm cả phụ phí đi lại, chi phí có thể lên tới hơn 130.000 đô (tương đương 3 tỷ VNĐ) để con em họ hoàn thành giáo dục phổ cập (chưa tính học phí).
Xếp sau Hồng Kông là UAE. Mỗi phụ huynh phải tốn trung bình khoảng 99.000 đô (tương đương 2,3 tỷ VNĐ) riêng cho dụng cụ học tập của con. Kế đến là Singapore, với 71.000 đô (tương đương 1,65 tỷ VNĐ).
Liên lụy đến cả hệ sinh thái
Các bậc phụ huynh cũng không phải người duy nhất chịu tốn kém, mà đến cả hệ sinh thái cũng bị ảnh hưởng luôn.
Dù đã có bút bi, bút điện tử, thế giới vẫn phải sản xuất từ 15-20 tỷ cây bút chì mỗi năm. Để có được số lượng bút chì khổng lồ này, chúng ta đốn mất từ 60.000-80.000 cây gỗ/năm.
Ấy là còn chưa tính đến tập vở và sách. Giấy cũng từ gỗ mà ra cả.
Thật không ngoa khi nói rằng tiền nuôi một đứa trẻ ăn học bằng cả tiền xây nhà! Cứ như Hong Kong thì mới chỉ "tiền cho con học" chứ chưa tính "tiền cho con ăn" là đã đủ để xây nhà rồi.
Tham khảo: BBC
Helino