MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với những lý do này, Việt Nam được kỳ vọng là "ngôi sao sáng" của khu vực năm 2017

Xuất khẩu có thế cạnh tranh nổi bật, lạm phát được kiềm chế, dòng vốn đầu tư dồi dào, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh… đang là những lý do khiến cho kinh tế Việt Nam nhận được nhiều kỳ vọng dù bối cảnh kinh tế thế giới 2017 sẽ biến động đầy bất ngờ.

Ông Phạm Hồng Hải, TGĐ HSBC Việt Nam mới đây đã đưa ra những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2017. Theo đó, ông kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là "ngôi sao sáng" trong khu vực. Những nhận định này dựa trên kỳ vọng về xuất khẩu, chỉ số lạm phát, dòng vốn đầu tư, cam kết của Chính phủ, hội nhập kinh tế quốc tế…

Cụ thể, về xuất khẩu, Việt Nam vẫn sẽ tạo được thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiếm chế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong năm tới.

“Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác”, ông Hải cho biết.

Trên thực tế, Việt Nam đang được đánh giá là một đất nước mở cửa với nhiều hiệp định thương mại đã và đang ký với các nước đối tác. Hiện, Việt Nam đã là thành viên của AEC, một cộng đồng được kỳ vọng đưa kinh tế vùng tăng trưởng 7,1%, gia tăng thêm 14 triệu công ăn việc làm vào năm 2025 nếu được quản lý, tận dụng hết ưu thế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong vòng đàm phán với Hiệp định RCEP. Mặc dù nhỏ hơn TPP nhưng RCEP lại kết nối 3 thị trường đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.

Trong nước, kinh tế cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán giảm dần đi. Những cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt của Chính phủ về đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Mặt khác, ông Hải nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ nhờ vào việc dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Trong đó, các ngành tiềm năng phát triển là giáo dục, y tế, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng nhanh…

Ngoài ra, nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.

Do đó, để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể tác động tới môi trường của dự án và tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

"Chúng ta cần phát triển kinh tế, nhưng là một nền kinh tế bền vững để phát triển môi trường sống cho các thế hệ đi sau", ông Phạm Hồng Hải cho biết.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên