MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với thị trường chiếm 40% tầng lớp trung lưu trên thế giới, đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp khu vực Đông Á?

Với thị trường chiếm 40% tầng lớp trung lưu trên thế giới, đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp khu vực Đông Á?

Khu vực Đông Á chiếm 40% tầng lớp trung lưu trên thế giới. Trong một thập kỷ tới, tỷ lệ này có khả năng vượt qua tầng lớp trung lưu ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh cộng lại.Như vậy, các doanh nghiệp đang nhanh chóng áp dụng loạt công cụ số mới nhằm tăng sự lựa chọn cho người dùng.

Nền tảng để khu vực thoát khỏi những cú sốc nghiêm trọng

Trong nhiều thập kỷ, hoạt động thương mại đã là động lực tăng trưởng quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi thuế quan trung bình giảm từ 17% năm 1989 xuống còn 5,3% vào năm 2018, thương mại khu vực đã tăng theo cấp số nhân, nhanh hơn đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới.

Hội nhập ngày càng sâu rộng đã là nền tảng để khu vực thoát khỏi những cú sốc nghiêm trọng, như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị leo thang đã gây bất ổn cho hoạt động thương mại tại đây. Khi cạnh tranh ngày càng gia tăng, hệ thống thương mại đa phương hóa dưa trên nền tảng thịnh vượng và an ninh khu vực châu Á phải đối mặt với một số thách thức nhất định.

Nhưng có thể nói, đại dịch Covid-19 đã thay đổi toàn bộ tình hình. Đại dịch đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của nền kinh tế số trong tương lai, đặc biệt khi các quốc gia khu vực châu Á đã dẫn đầu quá trình chuyển đổi nhanh chóng này.

Báo cáo mới nhất của East Asia Forum với tiêu đề "Tái tạo thương mại toàn cầu" đã chỉ ra cách các nền kinh tế trong khu vực trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo đó, chuỗi cung ứng trong khu vực là nhân tố có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, một phần do tính liên kết mạnh mẽ trong khu vực châu Á.

Tiềm năng hợp tác các nền tảng số

Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhất là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số quốc gia như Singapore, New Zealand và Chile đã hoàn thiện quan hệ đối tác nhằm mở rộng nền kinh tế số. Ngay cả hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có hiệu lực vào giữa cuộc khủng hoảng Covid-19, nêu bật vai trò lãnh đạo của các nhóm khu vực như ASEAN.

Đáng chú ý, các nền kinh tế Đông Á nổi tiếng về tăng trưởng nhờ xuất khẩu, cùng với việc tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu mạnh mẽ là cơ sở để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 này.

Thương mại Đông Á sẽ nâng tầm quan trọng thương mại toàn cầu bởi quy mô phục hồi kinh tế của khu vực lớn và nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Châu Á đã là mạng lưới thương mại khu vực tích hợp thứ hai, sau Liên minh châu Âu vào năm 2019. Mặc dù vẫn còn khoảng cách về kỹ thuật số trong khu vực, các nền tảng số mới đang khuyến khích sự tham gia từ những nông hộ nhỏ và các doanh nghiệp nhỏ trong thương mại quốc tế, mở ra cơ hội cho nhiều người cận nghèo.

Cơ hội và thách thức với 40% tầng lớp trung lưu trên thế giới thuộc khu vực Đông Á

Khu vực Đông Á chiếm 40% tầng lớp trung lưu trên thế giới. Trong một thập kỷ tới, tỷ lệ này có khả năng vượt qua tầng lớp trung lưu ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh cộng lại. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp đang nhanh chóng áp dụng loạt công cụ số mới nhằm tăng sự lựa chọn cho người dùng, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Đông Á đang dẫn đầu cuộc cách mạng thương mại điện tử toàn cầu, với những "gã khổng lồ" công nghệ như Alibaba và Tencent của Trung Quốc. Trong số 3,8 nghìn tỷ USD doanh thu ước tính được tạo ra trên toàn thế giới trên các nền tảng kỹ thuật số (bao gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, công nghệ quảng cáo, giao thông vận tải, dịch vụ điện tử và phương tiện kỹ thuật số), thì 1,8 nghìn tỷ USD là ở châu Á.

Gần 60% hoạt động kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu được giao dịch tại khu vực châu Á. Trung Quốc đang dẫn đầu với 45% doanh số thương mại điện tử toàn cầu. Trong thập kỷ tới, nền kinh tế số dự kiến ​​sẽ thêm 1 nghìn tỷ USD vào GDP của châu Á.

Song, những thách thức hiện nay là sự phối hợp trong việc giám sát và các thỏa thuận quản lý cần thiết cho nền kinh tế số xuyên biên giới. Nhìn chung, việc phát triển các nguyên tắc số đa phương cần phải thực hiện nhanh chóng để tránh rạn nứt hệ thống toàn cầu.

Không thể phủ nhận những hậu quả nặng nề mà nền kinh tế khu vực phải chịu từ Covid-19. Nhiều quốc gia đang phải vật lộn dưới áp lực tài khóa do đại dịch gây ra. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng khi Trung Quốc tăng cường đầu tư trên khắp Đông Nam Á hay ASEAN cũng đang giúp định hình cấu trúc thương mại mới của khu vực

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên