MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vội vã rời Kabul, Mỹ bỏ lại kho vũ khí gồm trực thăng tấn công Apache, xe bọc phép và hệ thống phòng thủ tinh vi trị giá hàng trăm triệu USD

31-08-2021 - 23:14 PM | Tài chính quốc tế

Vội vã rời Kabul, Mỹ bỏ lại kho vũ khí gồm trực thăng tấn công Apache, xe bọc phép và hệ thống phòng thủ tinh vi trị giá hàng trăm triệu USD

USA Today cho biết quân đội Mỹ có thể đã bỏ lại lượng vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD khi rời khỏi sân bay ở thủ đô Kabul, Afghanistan.

Tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu lực lượng quân đội Mỹ phụ trách toàn bộ khu vực, cho biết, những vũ khí Mỹ bỏ lại đã được "phi quân sự hóa" và về cơ bản, không thể hoạt động.

Theo một nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Mỹ, nhiều khả năng, các binh sĩ đã sử dụng đến lựu đạn nhiệt, loại vũ khí tạo ra nhiệt độ 4.000 độ C khi cháy, để phá hủy các thành phần quan trọng của các thiết bị bị bỏ lại.

Một quan chức quốc phòng khác thì cho rằng nhiều loại vũ khí có thể đã bị cho nổ. Tuần trước, một vụ nổ được tiến hành ở sân bay Kabul và nó có liên quan đến việc phá hủy các thiết bị.

Về phần mình, tướng McKenzie cũng công khai những thiết bị mà Mỹ bỏ lại sân bay Kabul sau cuộc chiến dài nhất lịch sử nước này.

Xe MRAP

Có khoảng 70 xe bọc thép chiến thuật kháng mìn hạng nhẹ (MRAP) đã bị bỏ lại sân bay. Đây là loại phương tiện được thiết kế để chống mìn và các vụ tấn công bằng bom tự chế. Nó cũng có khả năng chuyên chở các đơn vị quân và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ. Tuy nhiên, loại phương tiện này được vũ trang rất hạn chế.

Lầu Năm Góc đã khẳng định những chiếc xe này đã giúp bảo vệ mạng sống của rất nhiều binh sĩ Mỹ hoặc ngăn chặn những vụ nổ mìn có thể khiến chân hay tay của họ bị phá hủy. Mỗi chiếc xe này có giá khoảng 1 triệu USD lúc xuất xưởng.

Xe Humvee

Mỹ đã bỏ lại 27 chiếc Humvee, xe bọc thép chiến thuật hạng nhẹ. Tuy nhiên, loại phương tiện này đã bị MRAP thay thế ở Iraq và Afghanistan vì chúng tỏ ra dễ bị tấn công hơn bằng các loại mìn tự chế. Chính vì vậy, giá của Humvee cũng rẻ hơn 1/3 so với giá MRAP, tương đương khoảng hơn 600.000 USD/chiếc khi xuất xưởng.

Máy bay

Trên đường băng, quân đội Mỹ bỏ lại 73 máy bay các loại. Tuy nhiên, tướng McKenzie không nói rõ đây là máy bay cánh bằng, phi cơ cánh gập hay máy bay trực thăng.

"Những chiếc phi cơ này sẽ không bao giờ bay được nữa", ông McKenzie nhấn mạnh.

Trước đó, Lầu Năm Góc cũng thừa nhận hình ảnh trực thăng tấn công Apache hiện diện tại sân bay. Một chiếc Apache có giá khoảng 60 triệu USD.

Trước đó, phi công Afghanistan đã lái một số máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ ra nước ngoài. Phần lớn những chiếc còn lại đã lọt vào tay lực lượng Taliban.

Hệ phóng phòng thủ tên lửa, pháo và súng cối

Tướng McKenzie không nói còn bao nhiêu thiết bị loại này bị để lại sân bay. Tuy nhiên, mỗi một hệ thống phòng thủ tiên tiến này có giá tới 10 triệu USD để có thể vô hiệu hóa mọi mối đe dọa, từ tên lửa tới đạn pháo và đạn súng cối.

Ông McKenzie cho biết, những thiết bị này được duy trì tới phút cuối để bảo vệ sân bay Kabul khỏi các vụ tấn công bằng tên lửa hoặc các vũ khí khác. Không rõ các thiết bị này bị phá hủy hay chưa hoặc bị phá hủy như thế nào.

Mỹ không để vũ khí rơi vào tay Taliban

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết người Mỹ chắc chắn không để lại bất cứ thiết bị nào lọt vào tay Taliban. Tuy nhiên, đây cũng không phải lựa chọn thường xuyên của người Mỹ nhưng là lựa chọn cần thiết khi quay trở lại và rút lui khỏi vùng chiến sự một cách an toàn.

Tướng McKenzie cũng nhấn mạnh những thiết bị này không còn tác dụng gì trong chiến đấu. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng như chiến lợi phẩm và trưng bày như minh chứng cho chiến thắng của Taliban.

Loren Thompson, một chuyên gia tư vấn công nghiệp quốc phòng, cho biết, những vũ khí Mỹ để lại sẽ không có quá nhiều giá trị. Cụ thể, trực thăng là thiết bị đắt giá nhất nhưng để vận hành và bảo trì nó rất tốn kém. Điều đó còn khó khăn hơn nữa khi không có hỗ trợ hậu cần từ Mỹ, quốc gia đã sản xuất ra những chiếc máy bay đó.

"Kho vũ khí Mỹ trong tay Taliban sẽ ngày càng xuống cấp và dần bị loại bỏ. Ngay cả những vũ khí nhỏ cũng dần trở nên vô dụng nếu không được bảo dưỡng đúng cách. Trong khi đó, MRAP là những con quá vật ngốn nhiên liệu nên giá trị sử dụng của chúng ở một quốc gia đang khan hiếm nguyên liệu nhưng lại thừa mứa các cuộc tấn công khủng bố sẽ rất đáng nghi ngờ", ông Thompson nói.

Theo các nguồn tin, Lầu Năm Góc có thể đã để lại những trang thiết bị trị giá hàng chục tỷ USD sau khi trao lại chúng cho Chính phủ Afghanistan. Các số liệu cho thấy, Chính phủ Mỹ đã chi 83 tỷ USD để đào tạo và trang bị cho quân đội Afghanistan.

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng ước tính có khoảng 300.000 binh sĩ trong biên chế quân đội Afghanistan nhưng thực tế thấp hơn nhiều. Trong những tuần trước khi Taliban giành quyền kiểm soát, nhiều binh sĩ nước này đã ngưng chiến đấu sau khi Quân đội Mỹ rút lui.

Cuộc chiến 20 năm kết thúc

Thông qua việc rút những binh sĩ cuối cùng vào ngày 31/ 8, Mỹ đã chính thức kết thúc hiện diện quân sự ở Afghanistan sau gần 20 năm. Taliban, lực lượng bị Mỹ đánh bại sau cuộc chiến chống khủng bố được phát động không lâu sau sự kiện 11/9/2001, đã quay trở lại nắm quyền ở đất nước Afghanistan.

Chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 cuối cùng rời Sân bay Quốc tế Hamid Karzai vào chiều 30/8 theo giờ Mỹ. Tướng Kenneth McKenzie, xác nhận 116.000 người đã được sơ tán khỏi Afghanistan trong 2 tuần qua. Ông McKenzie cũng cho biết Taliban không được thông báo về thời gian người Mỹ rút quân.

Tuy nhiên, không phải tất cả người Mỹ đều đã được sơ tán. Tướng McKaizie cho biết còn dưới 200 người Mỹ vẫn đang ở Afghanistan khi họ không thể đến sân bay. Chuyến bay cuối cùng không có sự hiện diện của bất cứ thường dân nào. Nó đã cất cánh an toàn.

"Chúng tôi đã không thể đưa thêm bất cứ người Mỹ nào khác ra khỏi Kabul. Hoạt động đó đã kết thúc 12 giờ trước khi chúng tôi rời đi. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để sơ tán công dân tới phút cuối cùng nhưng không ai trong số họ tới được sân bay", Tướng McKenzie nói.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên