Volkswagen - Biểu tượng ô tô nước Đức bị dồn vào đường cùng: Dùng 33,6 tỷ euro hết sức chống trả Tesla, hy vọng lấy lại hào quang ở Trung Quốc
“Volkswagen cứ như một chiếc tàu chở dầu cồng kềnh cần tốn rất nhiều thời gian mới có thể chuyển hướng vậy", CEO Mathias Miedreich của hãng cung ứng Unicore SA nhận định.
- 04-08-2023BMW, Volkswagen, Mercedes bỏ sĩ diện 40 năm, ‘cắp sách’ theo Trung Quốc học làm xe điện
- 02-08-2023Biểu tượng kinh tế Đức lung lay: Sếp Volkswagen lo công ty sẽ rơi vào cảnh giống như Nokia, toàn bộ ngành ô tô đứng trước thách thức sống còn
- 07-07-2023Tạm biệt Volkswagen, Trung Quốc có ‘vua xe hơi’ mới
Hãng tin Bloomberg cho hay chỉ ít lâu sau khi ông Oliver Blume trở thành CEO của Volkswagen, vị giám đốc này đã liên tiếp nhận phải hàng loạt tin xấu.
Đầu tiên là việc người phụ trách đánh giá tình hình thị trường Trung Quốc cho biết Volkswagen, hãng xe lớn nhất Châu Âu đang thua trận trong mảng ô tô điện ở đây và hoàn toàn không có khả năng bắt kịp các đối thủ địa phương.
Kể từ đại dịch Covid-19 trở đi, hãng xe Đức đã dần tụt lại phía sau so với những doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc như BYD, Nio...
Trong khi các hãng xe nội địa Trung Quốc gia tăng gấp đôi sản lượng ô tô điện hậu đại dịch với mức giá rẻ và chất lượng tốt hơn Volkswagen thì ông lớn từ Đức này lại chẳng thể làm gì.
Thậm chí giờ đây, các hãng xe Trung Quốc còn quay sang chính sân nhà của Volkswagen-Châu Âu, để bành trướng thị trường trong bối cảnh ngành công nghiệp Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá năng lượng cao.
Không chỉ gặp khó ở Trung Quốc, Vokswagen còn đối mặt thách thức tại Mỹ khi Tesla thống trị thị trường xe điện nơi đây, biến các thương hiệu Đức thành kẻ theo sau.
Hãng tin Bloomberg nhận định việc Volkswagen phải đối mặt thách thức gay gắt từ mọi phía đang tạo nên cuộc khủng hoảng nặng nề nhất với tập đoàn Đức này kể từ sau bê bối năm 2015.
Thậm chí khủng hoảng lần này còn khó vượt qua hơn khi nền kinh tế Châu Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn.
“Ngành xe hơi đang đối mặt với câu hỏi là làm thế nào và liệu họ có thể duy trì được vị thế dẫn đầu trong tương lai không? Với Đức, ngành ô tô không chỉ đóng vai trò quan trọng, đây không còn là vấn đề kinh tế nữa mà đáng được nâng tầm lên sự kiện an ninh quốc gia”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerlock cho biết.
Bất chấp những khó khăn đó, Giám đốc Ralf Brandstatter của Volkswagen chi nhánh Trung Quốc vẫn cho rằng họ còn cơ hội: “Đây là một cuộc chạy đua marathon dài hơi và không phải cứ ai chạy nhanh lên trước là sẽ về đích sớm.”
Hết giờ
Theo Bloomberg, thời gian cho Volkswagen cho ra mắt những dòng xe điện chiến lược của mình đang dần cạn kiệt trước sự bùng nổ như vũ bão của các đối thủ.
Đó là chưa kể lộ trình từ bỏ xe xăng của Phương Tây đang đến gần, khiến vô số nhà đầu tư không còn coi trọng thị trường vận tải động cơ đốt trong.
Bằng chứng rõ ràng nhất là dù doanh thu của Volkswagen cao gấp 3 lần so với Tesla nhưng tổng mức vốn hóa thị trường thì lại chưa bằng 1/10 nhà Elon Musk.
Thậm chí Bloomberg còn cho biết cuộc cạnh tranh về giá ở Trung Quốc cũng như sự bùng nổ xe điện đang khiến nhiều thương hiệu xe xăng phải bán ở mức lỗ để giữ thị phần.
Hiện Volkswagen đã bán một số cổ phần ở hãng xe hơi thể thao Porsche cũng như doanh nghiệp ô tô bán tải Traton SE, đồng thời cảnh báo họ sẽ có thể còn chấp dứt hợp tác nếu những thương hiệu này tiếp tục mất thị phần trên các thị trường.
Đặc biệt tại triển lãm ô tô IAA ở Munich-Đức năm nay, các thương hiệu Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý tại nơi mà các hãng xe Đức thường khoe khoang sản phẩm của mình, qua đó cho thấy các đối thủ từ Châu Á đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tay đôi.
Số lượng các nhà sản xuất Trung Quốc trong triển lãm IAA năm nay đã tăng gấp đôi so với năm 2021 và một số sản phẩm của họ thậm chí còn được so sánh là đối thủ trực tiếp của Tesla hay các dòng xe điện nhà Volkswagen.
Tình hình tồi tệ đến mức hãng tin Bloomberg Volkswagen có thể sẽ không còn trở thành “phép màu” cho nền kinh tế Đức như trước kia nữa.
Sự phụ thuộc của hãng xe này cũng như nền kinh tế Đức vào thị trường Trung Quốc đã đem lại nhiều hệ lụy khi ngành công nghiệp của xứ sở 1,4 tỷ dân bùng nổ.
Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, đồng thời là thị trường chiếm gần 40% doanh thu toàn cầu của Volkswagen.
Tất nhiên, việc xe điện là một mảng hoàn toàn mới khi cần cả sự phát triển về phần mềm cũng gây khó cho các hãng ô tô Đức trong kỷ nguyên công nghệ số.
Tuy vậy theo Bloomberg, khả năng ứng biến, thay đổi để thích nghi nhanh chóng với tình hình mới là thứ khiến Đức chậm chân so với Trung Quốc trong cuộc đua này.
Trì trệ
Hãng tin Bloomberg cho rằng Volkswagen mang đặc trưng khá lớn của nền kinh tế Đức, đó là cồng kềnh và trì trệ.
Tập đoàn xe hơi Đức này tuyển dụng gần 700.000 nhân viên ở hơn 100 nhà máy trên khắp thế giới. Họ sản xuất mọi thứ từ những chiếc Lamborghini gầm rú cho đến những chiếc Skoda tiết kiệm hay dòng xe bán tải Scania mạnh mẽ.
Thế nhưng thành công hàng thập niên đã khiến nội bộ bị sa lầy trong ảo tưởng và kiêu ngạo, qua đó hạn chế khả năng thích nghi, sự tìm tòi với đổi mới.
Đây chính là điều chết người đã từng khiến những tên tuổi lớn như Nokia phải ngậm ngùi đóng cửa trước xu thế của ngành công nghệ.
Trái ngược lại, Trung Quốc lại có sự chuyển đổi cực kỳ nhanh chóng, thậm chí có tốc độ lớn hơn bất kỳ nước nào về mảng xe điện. Hiện ô tô điện đã chiếm đến một nửa số xe hơi bán mới tại Trung Quốc- thị trường ô tô lớn nhất toàn cầu ngày nay.
“Các đối thủ của chúng tôi chẳng hề ngồi yên. Những hãng xe Đức chủ yếu thu lợi nhuận từ thị trường quốc tế để đem về lợi nhuận trong nước cũng như tạo thêm việc làm. Thế nhưng áp lực ngày càng lớn từ nền kinh tế tăng trưởng yếu đến lợi thế cạnh tranh dần biến mất đang đè nặng lên các thương hiệu ô tô Đức”, giám đốc tổ chức vận động hành lang cho ngành ô tô Đức (VDA), ông Hildegard Muller thừa nhận sau khi tham dự hội chợ triển lãm IAA.
Giờ đây khi không còn gì để có thể cạnh tranh, từ công nghệ cho đến mẫu mã hay giá thành, các thương hiệu xe Đức chỉ còn biết trông chờ vào tên tuổi, di sản thương hiệu suốt nhiều thập niên của mình, vốn là điều mà cả Tesla và các hãng xe Trung Quốc đều chưa có.
Tại gian hàng của Mercedes Benz tại IAA, hãng trưng bày phiên bản xe điện của dòng siêu xe C111 từ năm 1970. Gian hàng của BMW thì gợi nhớ đến những dòng xe cũ từ thập niên 1960 trong khi VW thì mới chỉ trưng bày mẫu xe điện GTI của mình.
Điều này hoàn toàn lu mờ bởi các gian hàng Trung Quốc, nơi sản phẩm trưng bày đã được sản xuất hàng loạt và sẵn sàng lăn bánh với công nghệ tiên tiến và giá thành rẻ.
Vùng vẫy
“Bất kỳ công ty nào cũng phải bắt đầu từ nội tại để có thể cải tiến, đổi mới và phát triển”, CEO Blume của Volkswagen nói tại triển lãm IAA Munich.
Trớ trêu thay, thương hiệu xe Đức này lại chẳng thể làm chủ cuộc chơi mà phải chi đến 700 triệu USD mua lại 5% cổ phần hãng xe điện Trung Quốc Xpeng nhằm tiếp cận công nghệ.
Xin được nhắc là Xpeng đang kinh doanh thua lỗ và chẳng lọt được vào top 10 hãng xe điện bán chạy nhất Trung Quốc.
Theo Bloomberg, động thái cố gắng này của Volkswagen như một ván cược nhằm bắt kịp công nghệ xe điện của Trung Quốc cũng như thay đổi tình hình bết bát hiện nay.
Ngoài Xpeng, hiện Volkswagen còn đang liên doanh với 3 công ty Trung Quốc khác bao gồm một hãng sản xuất ắc quy điện, một hãng nghiên cứu phát triển phần mềm lái xe tự động và một công ty xây dựng hệ thống giải trí cho ô tô.
Với CEO Blume, người đã tham gia chương trình thực tập sinh ở Volkswagen từ năm 1994 thì bước đi trên của hãng là đúng bài, đó là khi nghi ngờ về điều gì đó thì hãy cố gắng mở rộng đặt cược cho nhiều phương án, sau đó thành công mảng nào thì tập trung vào mảng đó.
Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi Volkswagen đang vận hành 10 thương hiệu xe hơi và con số này vẫn đang tăng lên.
Trớ trêu thay, sự bành trướng này càng khiến bộ máy của Volkswagen cồng kềnh, chậm đổi mới hơn, vốn là điểm yếu chí mạng hiện nay của hãng xe Đức.
“Volkswagen cứ như một chiếc tàu chở dầu cồng kềnh cần tốn rất nhiều thời gian mới có thể chuyển hướng vậy. Khi con tàu bắt đầu quay đầu thì sẽ rất mất thời gian để đổi lại”, CEO Mathias Miedreich của hãng cung ứng Unicore SA nhận định.
Bằng chứng rõ ràng nhất cho sự cồng kềnh, trì trệ của Volkswagen phải nói đến thị trường Mỹ. Hãng xe hơi Đức này đã phải vật lộn để duy trì vị thế ở nền kinh tế số 1 thế giới kể từ khi cơn sốt dòng xe Beetle của họ phai nhạt dần vào cuối thập niên 1970.
Hãng đã cố gắng chuyển đổi hình tượng sang một công ty thân thiện môi trường, nhưng vụ bê bối 2015 về gian lận khí thải đã khiến Volkswagen trở nên xấu xí trong mắt người tiêu dùng.
Tập đoàn đã quảng bá “động cơ diesel sạch” như một bước tiến mới về công nghệ nhưng sau đó buộc phải thú nhận rằng họ đã lừa dối người tiêu dùng khi sản phẩm vẫn thải lượng lớn khí ô nhiễm ra môi trường.
Sự hoen ố về danh tiếng cũng như năng lực kỹ thuật của Volkswagen vào năm 2015 lại chẳng cảnh tỉnh nổi người khổng lồ Đức trước sự trỗi dậy của dòng xe điện tương lai.
Hậu quả là giờ đây Volkswagen đang phải dựa vào đống tiền khổng lồ tích lũy từ nhiều năm lợi nhuận để chống trả đối thủ.
Tính đến cuối tháng 6/2023, mảng xe hơi của Volkswagen có 33,6 tỷ Euro tài sản thanh khoản và khi đã bán bớt cổ phiếu của các thương hiệu như Porsche, tập đoàn này càng có nhiều tiền hơn nữa để tham gia cuộc chơi.
“Cạnh tranh sẽ thúc đẩy chúng tôi chứ không phải tạo nên sự sợ hãi...Vào thập niên 1980, ô tô Nhật Bản từng được dự đoán là dìm ngập thị trường, thế rồi 20 năm sau đó là các thương hiệu xe hơi Hàn Quốc và ngày nay là ô tô điện Trung Quốc”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tự tin tuyên bố trong buổi triển lãm xe hơi IAA Munich.
*Nguồn: Bloomberg
Nhịp sống thị trường