MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng bỗng dưng ‘sụt’ hơn 400 tỷ đồng

Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 44.691 tỷ đồng, nhưng khi địa phương phê duyệt báo cáo khả thi từng dự án tổng vốn vượt 123 tỷ đồng, khi rà soát lại tổng vốn quay đầu giảm hơn 418 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải ( GTVT) vừa báo cáo Quốc hội về triển khai Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 6/2022, đi qua Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tuyến cao tốc này dài hơn 188 km, quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe chạy, tổng mức đầu tư hơn 44.691 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, Chính phủ giao UBND các tỉnh làm chủ đầu tư dự án thành phần qua địa bàn tỉnh mình.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã khởi công từ tháng 6/2023, nhưng tiến độ chậm, các gói thầu đã khởi công chủ yếu làm công tác chuẩn bị, khối lượng thi công chưa nhiều. Ảnh: Nhật Huy.

Bộ GTVT cho biết, các địa phương đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từng dự án thành phần, tổng vốn đầu tư được duyệt hơn 44.814 tỷ đồng, cao hơn 123 tỷ đồng so với mức Quốc hội duyệt.

Cụ thể, Dự án thành phần 1 do tỉnh An Giang làm chủ đầu tư phê duyệt tổng vốn hơn 13.526 tỷ đồng (giảm 273 tỷ đồng so với dự toán sơ bộ trình Quốc hội); Dự án thành phần 2 do TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư tổng vốn duyệt hơn 9.725 tỷ đồng (tăng 120 tỷ đồng); Dự án thành phần 3 do Hậu Giang làm chủ đầu tư tổng vốn duyệt hơn 9.602 tỷ đồng (giảm 325 tỷ đồng); Dự án thành phần 4 do Sóc Trăng làm chủ đầu tư tổng vốn vốn duyệt hơn 11.961 tỷ đồng (tăng 841 tỷ đồng).

Do tổng vốn các dự án thành phần địa phê duyệt có tổng mức đầu tư vượt dự toán Quốc hội giao nên Bộ GTVT phải chủ trì để rà soát lại thiết kế, dự toán, chi phí giải phóng mặt bằng. Sau khi rà soát, tổng mức đầu tư toàn dự án giảm còn 44.273 tỷ đồng, thấp hơn tổng vốn được Quốc hội duyệt hơn 418 tỷ đồng.

Trước biến động tổng mức đầu tư kể trên, Bộ GTVT cho biết, để bảo đảm công tác quản lý dự án đúng quy định, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh vốn các dự án thành phần, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư sơ bộ được Quốc hội duyệt.

Về tiến độ triển khai xây dựng, Bộ GTVT cho biết, toàn dự án được chia thành 14 gói thầu xây lắp, tới nay các địa phương đã chọn được nhà thầu cho 8 gói thầu; giữa tháng 6/2023, mỗi dự án thành phần đã có 1 gói thầu khởi công. Tới hết tháng 8 vừa qua, các địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch đạt 91%. Hiện, các nhà thầu tập trung đào bóc đất hữu cơ và nền đường công vụ.

Đến hết tháng 8 năm nay, tổng vốn giải ngân dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt hơn 4.300 tỷ đồng (đạt hơn 68% kế hoạch năm). Trong đó, giải ngân thấp nhất là Dự án thành phần 4 của tỉnh Sóc Trăng mới đạt 49% vốn kế hoạch năm; tiếp đến là Dự án thành phần 3 của Hậu Giang mới được 57% kế hoạch…

Bộ GTVT đánh giá, tới nay công tác thi công, giải ngân của các dự án thành phần chậm so với kế hoạch, các gói thầu đã khởi công mới chủ yếu làm lán trại trên công trường, tập kết máy móc, vật tư, thiết bị, nhân lực, đào bóc đất hữu cơ và làm đường công vụ. Tỷ lệ giải ngân được chủ yếu cho giải phóng mặt bằng , tái định cư, tạm ứng hợp đồng, khối lượng thi công chưa nhiều.

"Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do khó khăn về nguồn cung vật liệu cát đắp nền đường ", Bộ GTVT lý giải. Đây cũng là khó khăn lớn nhất với các dự án đường bộ tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang gặp phải, khi nhiều dự án lớn cũng triển khai, như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh - An Hữu...

Hiện ngoài tỉnh An Giang bảo đảm cung cấp đủ vật liệu đắp thông thường cho Dự án thành phần 1, các địa phương còn lại đều gặp khó khăn vướng mắc, không đáp ứng đủ nhu cầu cát cho dự án.

Bên cạnh đó, một số cơ chế đặc thù áp dụng với dự án được Quốc hội cho phép thực hiện tới hết năm 2023, nhưng từ khi dự án phê duyệt tới khi khởi công (khâu chuẩn bị thủ tục) mất 1 năm nên các cơ chế đặc thù chỉ còn hiệu lực áp dụng trong 6 tháng cuối năm. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác vật liệu với dự án tới hết năm 2024.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188 km, đi qua Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, tổng mức đầu tư được Quốc hội duyệt hơn 44.691 tỷ đồng. Trong tổng vốn đầu tư, ngân sách trung ương tham gia hơn 40.867 tỷ đồng, các địa phương bố trí thêm hơn 3.823 tỷ đồng tham gia góp vốn. Tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, khai thác năm 2027.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, Chính phủ giao UBND các tỉnh làm chủ đầu tư dự án thành phần qua địa bàn tỉnh mình. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra, đốc thúc tiến độ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, đặc biệt liên quan tới vật liệu san lấp nền đường.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

Trở lên trên