Vốn cho doanh nghiệp: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Nhà băng dư tiền, lãi vay ngắn hạn giảm chỉ còn 6 - 6,5%/năm, ngân hàng ra sức chào mời doanh nghiệp (DN) nhưng thực tế, không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này.
- 14-11-2022Sớm gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp
- 03-12-2019Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp dược, vật tư – thiết bị y tế
- 17-06-2016Tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp qua sàn chứng khoán, có khả thi?
Vốn rẻ vẫn khó tiếp cận
Cần vốn để mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc nguyên liệu… để sản xuất các loại bánh truyền thống đông lạnh, bà Nguyễn Thị Hương, đại diện Công ty Hương Việt (huyện Củ Chi, TPHCM) chuẩn bị hồ sơ và tìm đến nhiều ngân hàng (NH) để vay 10 tỷ đồng.
Tại NH Vietcombank mức lãi chỉ từ 5,3%/năm với các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn; VietinBank từ 5,7 - 6,45%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và trung, dài hạn; BIDV là 6,5%/năm trong 6 tháng đầu và 7%/năm trong 12 tháng…
“Nhìn chung lãi vay đã giảm rất sâu so với năm 2023. Tuy nhiên, các NH đều yêu cầu tài sản thế chấp. Trong khi tài sản là đất đai , nhà xưởng hiện có được NH định giá rất thấp, hơn nữa DN lại mới khởi nghiệp nên cửa vay càng thu hẹp. Cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất rẻ càng xa với với chúng tôi” - bà Hương nói.
Cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp hiện nay, ông Võ Minh Hậu, Giám đốc Công ty May mặc Thanh Hoa (TP Thủ Đức) cho biết, đang có ý định đóng cửa nhà xưởng vì thiếu vốn. Hai năm liền, DN không có đơn hàng nhưng vẫn cầm cự, vay mượn NH trả lương công nhân.
“Công ty xoay vòng thanh toán với NH để tránh nợ xấu, nay có đơn hàng trở lại nhưng lại thiếu vốn. Chúng tôi muốn vay thêm nhưng NH lắc đầu vì nợ cũ vẫn còn, không còn tài sản thế chấp… Hơn 20 năm gắn bó với nghề may, có lẽ đến lúc tôi phải bán máy móc trả nợ, bỏ nghề…” - Ông Hậu nghẹn ngào.
Trong khi nhiều DN không thể vay vốn, thì vẫn có không ít DN được NH “trải thảm” chào mời vay. Chuyên sản xuất các sản phẩm từ mật ong thiên nhiên, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh) cho biết, gần đây nhiều NH liên hệ chào mời vay vốn, thậm chí có 2 NH đã mở hạn mức cho vay với số tiền cả trăm tỷ đồng nhưng DN vẫn chần chừ chưa dám vay, mà đang cố gắng bằng vốn tự có.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Vũ nói rằng, rất mừng vì chính sách cho vay đã được điều chỉnh, lãi vay giảm…
“Tuy nhiên chúng tôi lo nhiều hơn mừng. Bây giờ dư vốn NH cho vay nhưng mai này hết dòng tiền, nhà băng rút vốn đột ngột thì không biết làm thế nào. Dù biết vay vốn NH chính là đòn bẩy tài chính nhưng chỉ được vay với thời gian ngắn, từ 6 - 9 tháng.
Sau thời gian này, NH không cho vay nữa thì không chỉ ảnh hưởng đến DN, xuất khẩu mà còn cả trăm nông dân. Thay vì đoàn bẩy tài chính lại trở thành “cây bẫy” DN. Tôi đã từng bị rồi nên rất cân nhắc, đắn đo…” - Ông Vũ lý giải.
Cũng theo ông Vũ, tuy NH giảm lãi vay nhưng vốn chỉ rẻ trong năm đầu nhưng sau đó thả nổi theo giá thị trường, thời gian vay lại ngắn. Hiện ông Vũ đang vay cá nhân khoảng 20 tỷ đồng, chấp nhận lãi suất cao gấp đôi nhưng biết thời gian trả cụ thể để dùng vào việc sản xuất kinh doanh. Ông Vũ cho rằng NH cần hỗ trợ bền vững, lâu dài cho DN.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nhìn nhận, các NH vẫn thẩm định, đánh giá các khoản vay bằng tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính hiệu quả của dự án kinh doanh. Điều này làm cho các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp .
Giải pháp cho doanh nghiệp
Theo Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), trong 2 tháng đầu năm 2024, tình hình vay vốn của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, dù NH có nhiều vốn cho vay nhưng DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Trong đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Khảo sát của HUBA cho thấy có tới 41% DN đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TPHCM cho rằng, để khơi thông dòng vốn tín dụng cần đẩy mạnh kinh tế vĩ mô, DN có đơn hàng, người lao động có thu nhập... Cần thay đổi chính sách liên quan đến tín dụng đặc biệt về tài sản thế chấp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng giá trị cho vay trên tài sản thế chấp . Và cuối cùng nên hạ lãi suất vay, đặc biệt là những ngành khuyến khích đầu tư như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…
“Sắp tới Ngân hàng Nhà nước TPHCM ký cam kết với 17 NH thương mại đưa ra gói vay 509.000 tỷ đồng, trong đó có việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Hy vọng với gói vay này, tình hình thị trường vốn sẽ tốt hơn” - Ông Nguyễn Đức Nghĩa nói.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, tín dụng tăng thấp trong những tháng đầu năm do nhiều nguyên nhân. Những tháng cuối năm 2023, tín dụng tăng rất mạnh. Điều đó chứng tỏ DN đã giải ngân thời điểm đó, nên quý này không cần thêm vốn nữa; tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn, DN cũng mới thấy tín hiệu phục hồi về đơn hàng, sản xuất; một số DN vẫn đang mong chờ lãi suất giảm thêm…
“Sắp tới Ngân hàng Nhà nước TPHCM ký cam kết với 17 NH thương mại đưa ra gói vay 509.000 tỷ đồng, trong đó có việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Hy vọng với gói vay này, tình hình thị trường vốn sẽ tốt hơn”.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa
Liên quan đến việc DN than thiếu tài sản thế chấp, phương án kinh doanh không khả thi… ông Lực lưu ý, DN cần gia cố năng lực của mình, vì NH không thể cho vay dưới chuẩn vì gây rủi ro cho cả hệ thống NH cũng như DN. “Tôi cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng khi tín dụng tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm vì đây là tính chu kỳ, thời vụ. Đà phục hồi kinh tế từ quý II trở đi sẽ tốt hơn” - TS Lực nói.
Chiều 10/3, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành NH cần tập trung nhiều giải pháp như tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng hiện hữu sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ khách hàng thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn; tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi tổ chức tín dụng.
Chiều 10/3, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành NH cần tập trung nhiều giải pháp như tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng hiện hữu sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ khách hàng thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn; tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi tổ chức tín dụng.
Liên quan đến hỗ trợ DN, đại diện HUBA cho rằng, NH có thể xem xét ân hạn nợ bên cạnh việc gia hạn. Theo đó, DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn, làm tăng gấp đôi số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép. UBND TPHCM cũng từng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thay thế việc hỗ trợ 2%/năm lãi suất ngân hàng bằng các hình thức khác thiết thực hơn.
Tiền phong