Vốn cho nền kinh tế luôn sẵn nhưng khó giải ngân
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 5 triệu tỷ đồng vốn từ ngân hàng đi ra nền kinh tế phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong lúc đó, lượng tiền có được từ hệ thống ngân hàng nhờ phát hành trái phiếu Chính phủ đang rơi vào tình cảnh nằm im chờ giải ngân.Vì sao vậy?
- 22-07-201670% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng
- 21-07-2016Vốn từ ngân hàng chảy mạnh ra nền kinh tế
- 07-07-2016“Khó nhất với doanh nghiệp bán lẻ là vay được vốn ngân hàng”
Tiền ngân hàng đi đâu?
Ngày 5/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố một số thông tin cơ bản về kết quả điều hành chính sách tiền tệ. Tính đến hết 20/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,8% so với tháng 12/2015; Huy động vốn tăng 10,1%; Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,0%. Với mức tăng này, người ta ước tính đã có khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng đi từ hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) tăng 9% so với cuối năm 2015, chiếm tỉ trọng 8,5% tổng tín dụng. Tỷ trọng này được cho là phù hợp và nằm trong mức kiểm soát của hệ thống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy thông tin về tổng giá trị cho vay lĩnh vực BĐS tính đến ngày 20/7 không được công bố nhưng theo tính toán của một số tổ chức, vốn vào lĩnh vực này khoảng 428.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, hoạt động huy động vốn cho ngân sách qua kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP) diễn biến thuận lợi. Lãi suất không thấp hơn lãi suất ngân hàng là mấy, quanh mức 6%, thậm chí có thể 8%/năm nếu kỳ hạn dài; rủi ro không có, thanh khoản khá tốt là lý do khiến dòng tiền chảy mạnh vào trái phiếu. Thống kê từ đầu năm đến hết tháng bảy, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 182.271 tỷ đồng TPCP, đạt gần 83% kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 220.000 tỷ đồng. “Thừa thắng xông lên”, Kho bạc Nhà nước vừa điều chỉnh tăng huy động thêm 30.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn TPCP lên 250 ngàn tỷ năm 2016.
Nói về mối quan hệ giữa các cơ quan điều hành chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, một lãnh đạo NHNN gần đây chia sẻ: “Sự phối hợp thời gian qua rất nhịp nhàng, khi Bộ Tài chính có ý định huy động vốn trên thị trường trái phiếu, chúng tôi đã tạo điều kiện tối đa để các ngân hàng thương mại tham gia và điều hòa “bơm- hút” nhịp nhàng trên thị trường mở đảm bảo lãi suất ổn định. Cũng nhờ một phần đó, cộng thêm với yếu tố lãi suất, TPCP đấu giá phiên nào đắt hàng phiên đó”.
Lo đầu ra cho tiền trái phiếu
Trong câu chuyện về vốn ngân hàng gần đây, lãnh đạo cấp cao một ngân hàng thương mại lớn cho hay, đang có sự “lúng túng” trong sử dụng khi một lượng lớn vốn TPCP huy động xong lại “quay” về nằm rải rác tại các ngân hàng với lãi suất thấp (tất nhiên, Chính phủ là người trả phần chênh lệch). “Tốc độ giải ngân đầu tư công chậm khiến một phần lớn dòng tiền đã đi ra kênh trái phiếu lại lộn trở về gửi ở ngân hàng”, vị này nói.
Vốn vào trái phiếu nhiều nhưng giải ngân chậm, còn vốn ngân hàng đang chảy mạnh vào đâu, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn cho rằng, thời gian qua, huy động vốn và M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng. Chính điều này đã khiến các thị trường như BĐS, chứng khoán “nghển cổ” ngóng dòng tiền từ ngân hàng chảy vào. Tuy nhiên, theo ông này, dư thừa vốn không có nghĩa là phải đưa ra bằng mọi giá.
Năm 2016, nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7-6,8% GDP nhưng nguồn lực xã hội chủ yếu hướng vào kênh đầu tư của Chính phủ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện kinh tế vỹ mô đang khá ổn định, tuy nhiên các chỉ số cho thấy nền kinh tế trong nước tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt trước bối cảnh xuất khẩu Việt Nam đang gặp khó tại các thị trường như Nhật Bản, châu Âu chúng ta bị cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, về nội địa phải đối phó với các vấn đề về môi trường, thời tiết, xâm nhập mặn. Theo ông Hiếu, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7-6,8% hiện rất khó đạt được và lẽ dĩ nhiên, phải trông vào điều hành của Chính phủ cũng như tăng tốc giải ngân đầu tư công.
Tiền phong