Vốn đầu tư vào tiết kiệm năng lượng lớn: Lấy từ nguồn nào?
Làm sao để khai thác hiệu quả tiềm năng TKNL từ hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có khoảng 2.600 cơ sở công nghiệp đang sử dụng tới hơn 50% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp có tới hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại đang gặp rất nhiều khó khăn từ tác động của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế toàn cầu?
- 19-08-2023Đà Nẵng thu hút nhiều 'ông lớn' đầu tư vào ngành công nghệ thông tin
- 19-08-2023Kinh tế tuần hoàn không chỉ là cách “làm màu” của doanh nghiệp lớn
- 19-08-2023Quốc hội chuẩn bị giám sát một số dự án quan trọng quốc gia
Tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB) ước tính, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0” (Net Zero), Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP (tương đương 368 tỷ USD) từ nay đến năm 2040. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Chỉ riêng nguồn vốn cho chuyển đổi năng lượng của ngành điện cũng cần tối thiểu từ 14-16 tỷ USD mỗi năm; hay tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính khoảng 3,6 tỷ USD...
Là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tuyên truyền, triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) nói chung, tiết kiệm điện (TKĐ) nói riêng, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu thực tế, để doanh nghiệp đầu tư vào TKNL thì nguồn vốn đầu tiên được tính đến chính là nguồn lực tự có của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư các giải pháp công nghệ, mong muốn thay thế thiết bị hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng… nhưng nguồn lực lại rất hạn chế.
“Các doanh nghiệp hiện nay khi đưa các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cũng có khá nhiều vướng mắc. Mặc dù họ biết được các lợi ích mang lại, nhưng một trong những vướng mắc cơ bản là đầu tư. Bây giờ làm sao để các DN có đủ nguồn lực, đủ vốn, tiền để đầu tư, nâng cấp, thay đổi dây chuyền công nghệ để đưa vào các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm tốt hơn, hiệu quả mang lại cao hơn… Theo quan sát của chúng tôi, một số doanh nghiệp do điều kiện tài chính khó khăn, cho nên mặc dù họ có quan tâm về mặt nhận thức, về việc thay đổi... nhưng để chuyển sang thành các giải pháp còn rất hạn chế…”, ông Trần Viết Nguyên cho biết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, các doanh nghiệp rất muốn phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, trong đó TKNL là một trong các giải pháp quan trọng, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả từ vốn lẫn cơ chế, chính sách.
“Hơn 98% cộng đồng doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Có thể là những DN nhỏ và vừa đã nhận thức về chuỗi giá trị, phát triền kinh tế xanh nhưng có thể thiếu tiềm lực về tài chính. Các doanh nghiệp này rất cần những giải pháp tài chính, chính sách từ những định chế tài chính, ngân hàng để có thể đưa ra những gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai, theo đuổi chiến lược. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, cần phải có khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra một môi trường kinh doanh xanh...”, ông Nguyễn Quang Vinh nêu rõ.
Trong khi nguồn lực vốn tự có của doanh nghiệp để đầu tư các giải pháp TKNL, chuyển đổi xanh còn rất hạn chế, thì không ít doanh nghiệp lại tỏ ra khá e ngại khi phải kết nối với ngân hàng vì nhiều thủ tục quá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Những dự án đầu tư nhiều khi mang tính thời điểm, nếu không nhanh, công nghệ tiếp tục thay đổi, đến lúc được ngân hàng phê duyệt cho vay có thể đã trở thành lạc hậu, nên dù tốn kém, doanh nghiệp vẫn lựa chọn tự bỏ vốn đầu tư, hoặc vay thương mại bình thường, chấp nhận lãi suất cao chứ không vay ưu đãi.
Thế nhưng, trên thực tế nhiều năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của quốc tế trong thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Có thể kể đến Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2016, hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hóa chất, thực phẩm/giải khát, giấy, nhựa, dệt may, gạch/gốm sứ và các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng…
Nhiều tổ chức cũng đã đầu tư, hỗ trợ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về TKNL qua các giai đoạn từ năm 2006-2015 và 2019-2030. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) đang cùng Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) hỗ trợ thực hiện Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam (dự án VSUEE), trong đó, thiết lập Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) để cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong nước cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng. Thông qua hỗ trợ giảm rủi ro cho vay, quỹ này dự kiến sẽ huy động được khoảng 250 triệu USD từ nguồn tài chính thương mại cho phép các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng được vay từ các ngân hàng thương mại theo điều khoản cạnh tranh hơn và yêu cầu tài sản đảm bảo thấp. Theo đó, các doanh nghiệp công nghiệp được cấp lên tới 50% giá trị khoản vay để đầu tư cải tiến công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng.
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết về các đối tượng được hưởng lợi từ dự án này: “Đầu tiên là các ngân hàng và các doanh nghiệp và bản thân người lao động trong doanh nghiệp. Các ngân hàng được hưởng lợi là từ một sản phẩm bảo lãnh với chi phí thấp để có thể tự tin cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển hơn nữa mảng tín dụng xanh cũng như xây dựng các sản phẩm cho vay về tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng hơn, bởi vì có bảo lãnh thì yêu cầu về tài sản đảm bảo có thể nhỏ hơn và các điều khoản vay vốn cũng tốt hơn, bởi vì, có bảo lãnh rủi ro thấp thì đương nhiên là giá vay sẽ được giảm thấp hơn. Với khoản tiếp cận vốn như thế này, doanh nghiệp có thể đầu tư vào đổi mới công nghệ và giảm giá thành sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại trong nước cũng đã tích cực tham gia mạnh mẽ vào các chương trình cho vay phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng. Có thể kể đến, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) với việc tài trợ cho một số dự án xanh, dự án tiết kiệm năng lượng thông qua triển khai các dự án ODA do các tổ chức phát triển quốc tế tài trợ tại Việt Nam. Thống kê của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy, đến hết năm 2022, BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh với hơn 1.386 khách hàng và dự án với tổng số vốn cam kết cấp tín dụng xanh đạt hơn 63.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD), chiếm 4,3% tổng dư nợ BIDV và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế…
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm 2022 vừa qua, kết quả dư nợ cho lĩnh vực tín dụng xanh của ngành ngân hàng là 488.000 tỷ đồng, tăng bình quân trong 5 năm từ 2016 đến năm 2021 là 25% (trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước khoảng 15%). Tốc độ tăng này được đánh giá là khá nhanh và cũng là một trong những định hướng về tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh tế xanh của Chính phủ đã được triển khai một cách hiệu quả.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cùng với nguồn lực của nhà nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng và ban hành danh mục cũng như tiêu chí xanh. Đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại triển khai cho vay các dự án xanh thuận lợi hơn, tháo gỡ các khó khăn về vốn cũng như thủ tục cho doanh nghiệp.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi ghi nhận những khó khăn vướng mắc của các tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án xanh là các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh, bởi đây là các dự án có liên quan nhiều đến các yếu tố kỹ thuật, chuyên ngành, và những yếu tố về môi trường. Do vậy, với nhiệm vụ được giao là ban hành một danh mục về tiêu chí xanh thì sẽ có hữu ích rất nhiều. Đầu tiên sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, ưu đãi đầu tư. Đối với ngành ngân hàng sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí rất hữu ích để làm cơ sở ngân hàng thương mại tham chiếu, xem xét cấp tín dụng…”, bà Hà Thu Giang thông tin.
vov.vn