Vốn góp vào dự án PPP không được thấp hơn 20%
Chính phủ ra nghị định quy định vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP...
- 10-05-2018Nhà đầu tư “mòn mỏi” chờ Luật về PPP
- 02-02-2018100 triệu USD cho dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực chuyển hóa rác thành năng lượng ở Việt Nam
- 25-08-2017PPP đường bộ cao tốc và giới hạn lợi ích
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018, Nghị định quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cùng với đó là quy định vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Cụ thể, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
Phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.
Đối với hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT), nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện Dự án khác.
Nghị định quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (1). Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 300 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án; dự án nhóm A áp dụng loại hợp đồng BT (2).
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án không thuộc các trường hợp (1), (2) nêu trên của bộ, ngành mình.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án nhóm A không thuộc trường hợp quy định tại (2) nêu trên; dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công; dự án nhóm B áp dụng loại hợp đồng BT (3).
UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án không thuộc các trường hợp quy định tại (1), (2), (3) nêu trên của địa phương mình.
Vneconomy