Vốn hoá 20 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam giảm hơn 400 nghìn tỷ đồng trong gần 3 tuần thị trường giảm sâu, duy nhất ông trùm khu công nghiệp ngược dòng
Trong số 12 phiên giao dịch kể từ ngày 7/4, VN-Index có tới 7 phiên giảm trên 20 điểm và xuất hiện tình trạng bán tháo ở hàng loạt cổ phiếu từ hàng cơ bản đến hàng đầu cơ. Trước áp lực căng thẳng từ thị trường, loạt cổ phiếu của 20 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán cũng theo đà giảm, bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng vốn hoá.
- 25-04-2022Cổ phiếu Bệnh viện tim và Dịch vụ Mai táng bất ngờ "đắt hàng" trong ngày thị trường giảm 68 điểm
- 19-04-2022ĐHĐCĐ Novaland: Doanh thu kế hoạch 36 nghìn tỷ, giới thiệu ra thị trường 15.000 sản phẩm năm 2022
- 18-04-2022Chuyên gia: Việt Nam có thị trường CNTT phát triển đáng ngạc nhiên, nếu đầu tư nhân lực tài năng sẽ vượt cả Trung Quốc dù quy mô nhỏ hơn nhiều
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có biến động tiêu cực trong khoảng gần 3 tuần trở lại đây.
Trước khi hồi phục mạnh mẽ ngày 26/4, tính từ phiên 7/4 đến 25/4, VN-Index đã để mất 212 điểm (-13,92%) và đang ở mức 1.310,9 điểm, tương tự, HNX-Index giảm 109,32 điểm (-24,47%) xuống 337,51 điểm, UpCom-Index cũng giảm 17,3 điểm (-14,8%) xuống 99,54 điểm.
Chỉ tính riêng tổng trị giá vốn hoá của 20 doanh nghiệp lớn nhất sàn cũng đã giảm tới 409 nghìn tỷ đồng từ ngày 7/4 và 334 nghìn tỷ đồng từ đầu năm 2022.
Trong top 20 doanh nghiệp thì đã có tới 6 ngân hàng. Tổng cộng giá trị vốn hoá của 6 ngân hàng này đã giảm tới 140 nghìn tỷ đồng từ 7/4 trở đi.
Bộ đôi Vingroup (mã CK: VIC) và Vinhomes (mã CK: VHM) là 2 doanh nghiệp có giá trị vốn hoá giảm nhiều nhất từ đầu năm tới nay. Đứng đầu là VHM giảm tới 83 nghìn tỷ đồng (-23,2%) trong đó giai đoạn 7/4 đến nay vốn hoá VHM giảm 58 nghìn tỷ đồng. Còn VIC cũng giảm tới 72 nghìn tỷ đồng (-19,9%).
Nhưng tính về tỷ lệ thì vốn hoá của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã CK: GVR) mới là giảm nhiều nhất với mức giảm là 25,7%.
Ngoài ra, trong số 20 doanh nghiệp trên thì chỉ có Becamex IDC (mã CK: BCM) đi ngược thị trường khi trong gần 3 tuần từ 7/4 trở đi, vốn hoá vẫn tăng thêm được 2 nghìn tỷđồng (+3%) và từ đầu năm đã tăng thêm được 13 nghìn tỷ đồng (+19,5%).
Nếu tính từ đầu năm 2022 tới đây thì một số doanh nghiệp vẫn ghi nhận vốn hoá tăng là Vietcombank (VCB), PV Gas (GAS), Thế giới di động (MWG), Bia - Rượu - Nước giả khát Sài Gòn (SAB) và FPT (FPT).
Dòng tiền bắt đáy xuất hiện trong phiên 26/4 giúp thị trường phục hồi nhanh chóng. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 30,42 điểm (2,32%) lên 1.341,34 điểm; HNX-Index tăng 2,27% lên 345,17 điểm và UpCom-Index tăng 1,62% lên 101,15 điểm.
Trong 20 công ty trên ngoại trừ cổ phiếu VCB giảm 1,6% và MSN tham chiếu, toàn bộ các cổ phiếu còn lại đều tăng. Các cổ phiếu tăng tốt nhất là SAB tăng 6,7%, VPB tăng 6,3%, GAS 4,3%, GVR tăng 3,8%, VNM tăng 3,3%, VHM tăng 3,2%.