Vốn hoá 4 triệu USD, Saplastic có gì mà tự tin định giá 100 triệu USD?
Vốn hóa của SPP tính đến 17/9 chỉ hơn 4 triệu USD.Công ty có 644,5 tỷ đồng nợ quá hạn, huy động vốn giá 10.000 đồng/cp bất thành.Tình hình kinh doanh công ty sa sút, nửa đầu năm sẽ lỗ nếu hạch toán đủ chi phí lãi vay.
Ban lãnh đạo Công ty Bao bì nhựa Sài Gòn (Saplastic, HNX: SPP) cho biết đã và đang làm việc với đối tác là Tập đoàn PHI Group, Inc của Mỹ để thu hút vốn đầu tư, với phương án dự kiến bán 51% vốn và thu về khoảng 50 triệu USD, tương đương với mức định giá công ty 100 triệu USD (hơn 90.000 đồng/cp).
Trong một năm qua, cổ phiếu SPP trong xu hướng giảm giá từ vùng 5.500 đồng/cp về 2.200 đồng/cp. Sau thông tin dự kiến bán 51% vốn cho đối tác Mỹ giá 50 triệu USD thì cổ phiếu trải qua 8 phiên tăng trần liên tục đạt mức giá 4.200 đồng/cp, tăng gần gấp đôi. Phiên ngày 17/9 cổ phiếu SPP giảm sàn về mức 3.800 đồng/cp, ứng vốn hóa hơn 4 triệu USD.
Lợi nhuận sụt giảm, nửa đầu năm sẽ lỗ nếu hạch toán đủ chi phí lãi vay
Bao bì nhựa Sài Gòn có 2 mảng kinh doanh chính là sản xuất bao bì (bao bì mảng ghép phức hợp, bao bì nhựa, bao bì giấy và bao bì kim loại) và kinh doanh nguyên vật liệu. Mặt hàng bao bì nhựa mềm màng ghép phức hợp này chủ yếu sử dụng cho các sản phẩm đóng gói như bánh kẹo, gia vị, bột nêm, thủy hải sản, mì ăn liền, bột giặt, dầu gội… Ngoài ra, SPP còn sản xuất các mặt hàng giấy như lịch cuốn, lịch tờ, hộp giấy, nhãn…
Sản phẩm của công ty được đánh giá cao về chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà sản xuất, các khách hàng lớn gồm Vinacafe, Acecook, Nestle, Vifon, Vinamilk, Unilever… Địa bàn kinh doanh chủ yếu ở TP HCM và Long An, trong tương lai công ty có kế hoạch mở rộng đến miền Trung, miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Hà Nội và các tỉnh vùng ven.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu của công ty tăng đều đặn từ 815 tỷ đồng lên 1.106,7 tỷ đồng giai đoạn 2015-2018. Nhưng biên lợi nhuận gộp lại có xu hướng giảm từ 13,2% về 11,7% do giá nguyên vật liệu tăng mà giá sản phẩm hầu như không tăng, hoặc tăng với tốc độ chậm hơn nguyên vật liệu. Mặt khác, chi phí lãi vay của công ty tăng từ 45,3 tỷ lên 74,2 tỷ đồng, ngốn từ 43% đến 56% lợi nhuận gộp.
Lợi nhuận sau thuế của công ty duy trì khoảng 20 tỷ trong hai năm 2016-2017 nhưng giảm mạnh về 12,4 tỷ đồng năm 2018 do giá vốn hàng bán, chi phí tài chính và chi phí quản lý tăng so với các năm trước.
Kết quả kinh doanh của công ty trong nửa đầu 2019 tiếp tục không khả quan khi doanh thu giảm mạnh 55% xuống 252 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp chỉ còn 5%. Dù chi phí lãi vay giảm mạnh từ 31,5 tỷ về 3,9 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của SPP chỉ đạt 331 triệu đồng, giảm 94,7%.
Biên lợi nhuận gộp công ty giảm mạnh trong nửa đầu năm. |
Trong báo cáo soát xét bán niên, đơn vị kiểm toán ngoại trừ vấn đề chi phí lãi vay công ty chưa hạch toán là 25,5 tỷ đồng. Ban giám đốc công ty cho biết đang đàm phán với các tổ chức tín dụng và chưa có sự thống nhất về số lãi vay phải trả đối với từng hợp đồng tín dụng. Đơn vị sẽ hạch toán đủ tiền lãi vay trong kỳ tiếp theo.
Khát vốn nhưng huy động bất thành
Để mở rộng quy mô sản xuất hướng tới mốc doanh thu 2.000 tỷ đồng/năm, công ty có kế hoạch đầu tư thêm nhà máy Saplastic Long An với tổng giá trị đầu tư khoảng 1.141 tỷ đồng chia làm nhiều giai đoạn.
Theo đó, công ty dự kiến phát hành 16,9 triệu cổ phiếu huy động 169 tỷ đồng (giá 10.000 đồng/cp) đầu tư nhà máy Saplastic Long An – công suất 180 triệu m2/năm tại khu công nghiệp Tân Đô – Long An. Tương lai, công ty sẽ di dời nhà máy tại khu công nghiệp Tân Bình về đây và tiến hành chuyển nhượng lô đất Tân Bình để bổ sung vào vốn kinh doanh.
Công ty đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và công bố bản cáo bạch chào bán ra công chúng vào tháng 4 nhưng không thành công.
Kế hoạch mở rộng của công ty đã manh nha từ 2013 nhưng nhiều năm nay chưa triển khai được do khát vốn. Tổng nguồn vốn của công ty tính đến 30/6 là 1.173 tỷ đồng thì 891,5 tỷ đồng nợ phải trả (chiếm 76%), riêng vay ngắn hạn 715 tỷ đồng và vay dài hạn 22,7 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, SPP có khoản nợ qua hạn 644,5 tỷ đồng gồm vay 399,5 tỷ từ BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 50 tỷ từ Agribank chi nhánh Phú Nhuận, 35 tỷ HDBank, 30 tỷ từ Indovina – chi nhánh Chợ Lớn và 129,9 tỷ từ Ngân hàng Quốc dân – chi nhánh Sài Gòn.
Trong khi đó, tài sản công ty tập trung ở khoản phải thu 354 tỷ đồng, hàng tồn kho 478 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Long An cũng chiếm 11,4% tổng tài sản với 134 tỷ đồng.
Công ty đem 112 tỷ đồng cho nhiều cá nhân vay và tạm ứng; 137 tỷ cho 3 tổ chức là Thủy sản Sài Gòn – Cao Lãnh, Công ty Hoàng Việt Sơn và phân xưởng A mượn.
Tổng tài sản công ty tập trung vào hàng tồn kho, khoản phải thu và tài sản dở dang dài hạn. |
Người đồng hành