Vốn hóa HoSE “bốc hơi” gần 272.000 tỷ đồng trong phiên 28/1, lớn hơn tổng vốn hóa các doanh nghiệp sàn HNX cộng lại
Theo số liệu Bloomberg, định giá P/E của VN-Index sau phiên giao dịch này 28/1 chỉ còn 16,6 lần, khá thấp so với mức P/E gần 20 cách đây 2 tuần và đỉnh P/E 22.x vào cuối quý 1/2018.
Diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 những ngày giáp Tết cùng việc TTCK Mỹ giảm mạnh đêm qua đã tác động tiêu cực tới chứng khoán Việt Nam trong phiên 28/1.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%) và đóng cửa tại 1.023,94 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay, vượt qua mức giảm của những phiên "bán tháo" trong giai đoạn Covid-19 diễn ra vào tháng 3/2020.
VN-Index giảm sâu sau khi tiệm cận đỉnh lịch sử 1.200 điểm
Những phiên điều chỉnh liên tiếp gần đây đã khiến thành quả từ đầu năm "bốc hơi" hoàn toàn. Tại mức đóng cửa phiên giao dịch 28/1, chỉ số VN-Index còn thấp hơn 7,24% so với đầu năm. Đây là điều khá đáng tiếc cho nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường thời gian gần đây bởi cách đây không lâu, họ đã kiếm được mức lợi nhuận bằng nhiều năm gửi tiết kiệm chỉ sau ít ngày giao dịch đầu năm mới. Tuy nhiên, những phiên giảm sốc gần đây sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mất hết thành quả, thậm chí thua lỗ.
Với mức giảm lên tới 6,67%, VN-Index không chỉ xác lập kỷ lục giảm tại Việt Nam mà còn trở thành chỉ số chứng khoán "tệ" nhất Châu Á trong phiên 28/1. Phiên giao dịch này cũng khiến vốn hóa TTCK Việt Nam bị "thổi bay" 366.114 tỷ đồng (khoảng 15,8 tỷ USD). Trong đó, riêng vốn hóa sàn HoSE mất đi 271.802 tỷ đồng, con số này thậm chí còn lớn hơn cả vốn hóa sàn HNX (vốn hóa HNX chốt phiên 28/1 còn 238.873 tỷ đồng).
VN-Index giảm mạnh nhất Châu Á phiên 28/1
Thống kê 15 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới thị trường phiên 28/1 gồm có VCB, VIC, VHM, VNM, BID, GAS, HPG, CTG, SAB, TCB, GVR, MSN, NVL, VRE, VPB khi khiến VN-Index mất 46,46 điểm trên tổng mức giảm 73,23 điểm. Trong đó, VCB là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất khi "đóng góp" 6,76 điểm vào mức giảm của VN-Index.
Không những vậy, phiên giao dịch 28/1 còn ghi nhận số mã giảm điểm áp đảo hoàn toàn. Tính riêng trên sàn HoSE có tới 478 mã giảm, bao gồm 385 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 20 mã tăng điểm trên sàn này. Riêng nhóm VN30 có tới 28 mã giảm sàn, chỉ có 2 mã không giảm sàn là NVL (-6,7%) và EIB khi bất ngờ tăng 2,3% lên 18.100 đồng trong phiên ATC.
Dù thị trường vừa có phiên giảm lịch sử nhưng cũng có một vài điểm sáng xuất hiện. Đầu tiên là việc định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn. Theo số liệu Bloomberg, định giá P/E của VN-Index sau phiên giao dịch này 28/1 chỉ còn 16,6 lần, khá thấp so với mức P/E gần 20 cách đây 2 tuần và đỉnh P/E 22.x vào cuối quý 1/2018. Nhiều tổ chức trong nước cho rằng định giá TTCK Việt Nam xứng đáng ở mức cao hơn nhờ vĩ mô ổn định, tăng trưởng ROE hàng đầu khu vực và những yếu tố hỗ trợ như nâng hạng thị trường, lãi suất thấp…
P/E VN-Index "hạ nhiệt" sau những phiên giảm sốc gần đây
Bên cạnh việc định giá đã hấp dẫn hơn, việc khối ngoại trở lại mua ròng khá mạnh với giá trị 560 tỷ đồng trong phiên 28/1 cũng là yếu tố tích cực với thị trường. Không chỉ mua ròng trên thị trường cơ sở, khối ngoại cũng "Long" hơn 2.500 HĐTL F2102. Việc khối ngoại sẵn sàng "bắt đáy" khi thị trường giảm sâu góp phần củng cố tâm lý giới đầu tư lúc này.