MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn hóa Novaland “bốc hơi” 150.000 tỷ sau hơn một năm, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn viết tâm thư mong cổ đông “Bền ý chí - Vững tương lai”

Vốn hóa Novaland “bốc hơi” 150.000 tỷ sau hơn một năm, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn viết tâm thư mong cổ đông “Bền ý chí - Vững tương lai”

Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn tin rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của Novaland sẽ sớm hồi phục trong quý 3/2023.

“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại mà chúng ta sẽ vượt qua” – câu nói của người xưa được ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland (NVL) trích dẫn trong thông điệp gửi cổ đông, khách hàng và đối tác, đã thể hiện rõ quyết tâm vượt khó của tập đoàn này sau một năm đầy giông bão.

Từ 7,5 tỷ USD vốn hóa đến diện cảnh báo trên HoSE

Nhìn lại khoảng thời gian hơn một năm trước, ít ai có thể nghĩ rằng Novaland – một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất cả nước lại lao đao như hiện tại. Thời điểm đó, cổ phiếu NVL vẫn đang trên vùng đỉnh mọi thời đại với vốn hóa xấp xỉ 180.000 tỷ đồng (~7,5 tỷ USD), con số đưa Novaland nằm trong top đầu các doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán.

Thế nhưng, những biến cố trên thị trường trái phiếu đã khiến tình hình kinh doanh của Novaland dần trở nên khó khăn. Kênh huy động vốn quan trọng bị siết chặt quản lý sau thời gian tăng trưởng nóng khiến tập đoàn này gặp thách thức lớn với hàng chục dự án lớn nhỏ đang triển khai và khối nợ khổng lồ.

Áp lực lan sang cả thị trường chứng khoán khiến nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc mạnh vào cuối năm ngoái, trong đó NVL là một trong những cái tên đáng chú ý nhất. Cổ phiếu này rơi tự do từ cuối tháng 10 và chia 3 thị giá chỉ sau chừng một tháng. Sau một vài nhịp hồi ngắn, NVL lại tiếp tục trượt dài về sát mệnh giá và có thời điểm rớt khỏi danh sách tỷ USD vốn hóa.

NVL hiện đã hồi phục lên mức 13.600 đồng/cp nhưng vẫn thấp hơn đến 85% so với thời đỉnh cao. Giá trị vốn hóa cũng theo đó bị "thổi bay" hơn 150.000 tỷ đồng (~6,4 tỷ USD) chỉ sau hơn một năm, xuống còn xấp xỉ 26.500 tỷ đồng. Cổ phiếu NVL còn rơi vào diện cảnh báo của HoSE do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định và bị cắt margin.

Vốn hóa Novaland “bốc hơi” 150.000 tỷ sau hơn một năm, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn mong cổ đông “Bền ý chí - Vững tương lai” - Ảnh 1.

“Bền ý chí – Vững tương lai”

Novaland sau đó đã công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 nhưng mối lo ngại khác lại xuất hiện. Trong phần ý kiến kiểm toán, PWC không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng nhấn mạnh ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland, và tập đoàn đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.

Giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng công ty có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.

Giải trình về việc hoạt động liên tục, Novaland cho biết, tại ngày 31/12/2022, tập đoàn đang có 5.537 tỷ đồng đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Novaland đang đàm phán với các ngân hàng để giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng.

Tính đến ngày lập BCTC hợp nhất (17/4/2023), Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và Ban Tổng giám đốc cho rằng Novaland sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.

Để bổ sung dòng tiền, Novaland đã được cổ đông chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo kế hoạch, công ty sẽ phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ phát hành mới khoảng 19.500 tỷ đồng sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ, thanh toán chi phí lương và đầu tư vào dự án của tập đoàn. Ngoài ra, Novaland có kế hoạch phát hành 975 triệu cổ phiếu thông qua phát hành riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 9.750 tỷ đồng.

Về việc tái cấu trúc khoản nợ vay và nợ trái phiếu, tại ngày 31/12/2022, tổng số nợ vay và nợ trái phiếu là 64.869 tỷ đồng. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, Novaland đã thanh toán được 1.985 tỷ đồng trên dư nợ gốc. Với số dư nợ còn lại, tập đoàn đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ để tiến hành gia hạn hoặc sẽ thanh toán một phần bằng cách thanh lý một số tài sản thuộc sở hữu của các bên liên quan.

Với những nỗ lực Novaland đã làm được trong quý 4/2022 và đang tiếp tục trong năm 2023 cùng kế hoạch cụ thể, chiến lược tái cấu trúc thực tiễn với nhiều giải pháp linh hoạt, Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn tin rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn sẽ sớm hồi phục trong quý 3/2023.

Cùng thông điệp “Bền ý chí – Vững tương lai”, Novaland mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đồng hành của cổ đông, khách hàng và đối tác trên chặng đường phát triển bền vững phía trước.

Novaland đang trên hành trình trở thành “thương hiệu quốc dân”, tài sản và giá trị của Novaland tạo ra là tài sản của xã hội, các dự án đô thị của Novaland phát triển không đơn thuần là những dự án bất động sản mà là những công trình phát triển cộng đồng gắn liền với sự phát triển kinh tế quốc gia” , ông Bùi Thành Nhơn nhấn mạnh.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên