Vốn hóa thị trường mất gần 17 tỷ USD, nhiều cổ phiếu giảm trên 20% sau 5 phiên
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam giảm gần 403.000 tỷ đồng (16,8 tỷ USD) chỉ sau 5 phiên giao dịch. Trong đó, vốn hóa sàn HoSE giảm gần 350.000 tỷ đồng (14,6 tỷ USD).
VN-Index đã có 5 phiên giảm điểm liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm 9/2/2021. Tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin như Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc cũng như NHNN tăng các lãi suất điều hành thêm 1%.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9, VN-Index đứng ở mức 1.126,07 điểm, tương ứng giảm 7,3% so với phiên 22/9. Cùng thời điểm, HNX-Index giảm 6,1% xuống 249,41 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 3,8% và đạt 85,22 điểm.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam giảm gần 403.000 tỷ đồng (16,8 tỷ USD) chỉ sau 5 phiên giao dịch. Trong đó, vốn hóa sàn HoSE giảm gần 350.000 tỷ đồng (14,6 tỷ USD).
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Đơn vị: Tỷ đồng.
Tính từ đầu tháng 9 đến nay, VN-Index đã mất 12% giá trị. Tương tự, HNX-Index giảm 14,6% và UPCoM-Index giảm 7,8%. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường, tổng giá trị khớp lệnh bình quân trong 5 phiên này chỉ ở mức 12.708 tỷ đồng/phiên, thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước đó.
Trong bối cảnh thị trường chung biến động tiêu cực, hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu đều lao dốc. Thống kê các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh bình quân một tuần qua trên 100.000 đơn vị, từ phiên 23/9 đến 29/9 có đến 115 mã giảm giá trên 10%, trong đó 13 mã giảm trên 20%. Trong khi đó, số mã tăng giá chỉ có vỏn vẹn 19.
Đứng đầu danh sách giảm giá là cổ phiếu IDI của Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I ( HoSE: IDI ) với gần 27%. Giá cổ phiếu IDI giảm từ 19.750 đồng/cp xuống 14.450 đồng/cp. IDI giảm bất chấp có thông tin hỗ trợ là lần đầu tiên trả cổ tức sau 3 năm. Công ty đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt. Tỷ lệ chi trả đạt 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng).
10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất từ phiên 22-29/9.
Tiếp sau đó, cổ phiếu DXS của Dat Xanh Services ( HoSE: DXS ) giảm gần 26%. Hiện DXS đang trải qua 4 phiên giảm sàn liên tiếp. Cổ phiếu của 2 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng trong 2 năm qua là Hóa chất Đức Giang ( HoSE: DGC ) và Vận tải và Xếp dỡ Hải An ( HoSE: HAH ) giảm lần lượt 24,4% và 22,6%.
Thậm chí, các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng biến động khá tiêu cực. VIC của Vingroup ( HoSE: VIC ) giảm gần 14% xuống 54.600 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ tháng 12/2017.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CTF của City Auto ( HoSE: CTF ) đi ngược xu hướng khi tăng hơn 19%. Hiện cổ phiếu này đang trải qua chuỗi 9 phiên tăng giá liên tiếp. Hai cổ phiếu cũng gây được sự chú ý trong danh sách tăng giá là EIB của Eximbank ( HoSE: EIB ) và BSI của Chứng khoán BIDV ( HoSE: BSI ) với mức tăng lần lượt 4,8% và 7,8%.
10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất từ phiên 22-29/9.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Everest (EVS) đánh giá mặc dù thị trường vẫn trong vùng định giá rất hấp dẫn, với việc thông tin vĩ mô thế giới phức tạp cùng với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đã cận kề, nhà đầu tư nên cẩn trọng trong giai đoạn tuần cuối tháng 9 và tuần đầu tháng 10 do đây là giai đoạn thị trường có thể sẽ có nhiều biến động bất thường.
Người Đồng Hành