MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn hóa trồi sụt gần 100 tỷ USD mỗi ngày trong 7 phiên liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa tìm thấy đáy

10-08-2018 - 14:46 PM | Tài chính quốc tế

TTCK Trung Quốc đang bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ chiến tranh thương mại và số vụ vỡ nợ tăng cao cho đến chính sách nới lỏng tiền tệ và mức giá đang rẻ đi.

Chứng khoán Trung Quốc đang ở trong đợt rung lắc mạnh nhất trong mấy năm trở lại đây, trong bối cảnh các nhà đầu tư cố gắng đi tìm đáp án cho câu hỏi liệu thị trường 6.000 tỷ USD này đã chạm đáy hay chưa.

Bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ chiến tranh thương mại và số vụ vỡ nợ tăng cao cho đến chính sách nới lỏng tiền tệ và mức giá đang rẻ đi, tính đến cuối ngày hôm qua (9/8), chỉ số Shanghai Composite của TTCK Trung Quốc đã ghi nhận tới 7 phiên giao dịch có mức biến động hơn 1% - chuỗi dài nhất kể từ cú sụp đổ thị trường hồi năm 2015.

Trong suốt giai đoạn này, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới đã tăng hoặc giảm tối thiểu 97 tỷ USD mỗi ngày.

Vốn hóa trồi sụt gần 100 tỷ USD mỗi ngày trong 7 phiên liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa tìm thấy đáy - Ảnh 1.

Chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh nhất kể từ 2016. Nguồn: Bloomberg.

Phiên hôm qua, Shanghai Composite bật tăng 1,8% (mạnh nhất thế giới) sau khi có tin giới chức Trung Quốc đang xem xét giảm bớt rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong vài tuần gần đây chỉ số này đang cố gắng hồi phục từ mức thấp nhất kể từ đầu 2016. Tuy nhiên đến phiên hôm nay, đà tăng đã bị dập tắt trong bối cảnh toàn bộ thị trường châu Á chịu áp lực lớn từ xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Theo Steven Leung, giám đốc Uob Kay Hian (Hồng Kông), trong trường hợp này, rất nhiều nhà đầu tư trên TTCK Trung Quốc đã trở thành những nhà đầu tư ngắn hạn.

Và dưới đây là một số nhận định từ các chuyên gia phân tích và quản lý tiền tệ về tình trạng mức độ biến động gia tăng trên TTCK Trung Quốc.

Wang Chen, chuyên gia tại XuFunds Investment Management: "Mức biến động mạnh hơn cho thấy nhà đầu tư ngày càng chia rẽ sâu sắc khi đánh giá về triển vọng thị trường. Bất chấp dự đoán chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ giúp tạo đáy cho thị trường, không ai có đủ tự tin để khẳng định đâu là đáy. Cho đến nay, các chính sách được công bố vẫn chưa đủ mạnh để xóa tan nỗi lo về những tác động của chiến tranh thương mại và quá trình giảm nợ đối với nền kinh tế".

Còn theo Sun Jianbo, Chủ tịch China Vision Capital Management: "Tâm lý bi quan đã khiến hoạt động day trading lên ngôi. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư e sợ thị trường chỉ có thể tăng điểm trong thời gian rất ngắn rồi sau đó sẽ tiếp tục giảm sâu hơn sẽ khiến Shanghai Composite biến động mạnh hơn nữa. Với khá nhiều cổ phiếu vẫn đang ở mức giá đắt đỏ, thị trường chưa thể sớm chạm đáy và chỉ có thể chạm đáy khi tất cả các cổ phiếu rẻ đi. Những rắc rối mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt chưa được phản ánh hết vào giá".

YangHai, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Kaiyuan Securities, nhận định TTCK Trung Quốc bị tác động rất nhiều bởi chính sách, do đó cần đến chất xúc tác từ bên ngoài để có thể kéo thị trường ra khỏi tình trạng hiện nay.

Lâm Phong

Bloomberg

Trở lên trên