Vốn nhỏ không thành vấn đề, một đơn vị dệt may sắp chào sàn với tham vọng M&A nhằm tối thiểu hóa chi phí
Nếu so với một số đơn vị lớn trong ngành dệt may, CTCP Đầu tư & Phát triển TDT nhỏ hơn nhiều về quy mô vốn, song TDT có chiến lược riêng là M&A nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.
Thành lập vào ngày 22/03/2011, TDT được xây dựng trên diện tích quy hoạch là 30.000 m2 nằm trên quốc lộ 37 thuộc xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của Công ty là chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu được xuất sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc…
Hiện, sản phẩm của Công ty là áo quần cho nam, nữ và trẻ em… từ áo thun, quần short cho đến áo khoác ngoài. Theo người cầm trịch, khó khăn lớn nhất của TDT trong quá trình sản xuất chính là lúc giao mùa, tức mùa đông Công ty phải lo sản xuất quần áo cho mùa hè và ngược lại.
Về quy mô, sau đợt tăng vốn gần đây nhất trong năm 2017, hiện vốn chủ sở hữu TDT đã đạt khoảng 80 tỷ đồng. Như vậy, so với đối thủ cùng ngành là TNG thì con số này tương đối khiêm tốn; tuy nhiên, việc này không thành vấn đề, bởi theo ban lãnh đạo so với TNG thì TDT có một hướng đi hoàn toàn khác.
"Một đơn vị trong ngành theo tôi được biết thì tập trung phát triển nhà máy. Tức trung bình từ 1-2 năm, đơn vị này sẽ đầu tư mới một nhà máy tại các huyện, xã. Nhưng TDT thì khác, chiến lược phát triển của chúng tôi là tiến hành M&A, từ đó quản lý nhà máy", khẳng định bởi ông Chu Thuyên – Chủ tịch HĐQT Công ty tại buổi Roadshow "Gặp gỡ giữa nhà đầu tư và CTCP Đầu tư & Phát triển TDT" diễn ra chiều ngày 05/03/2018.
Chia sẻ sâu hơn về chiến lược này, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Thắng bổ sung: "Một số công ty dệt may xây dựng nhiều nhà máy tuy nhiên độ lấp đầy chưa đạt 100%, điều này vô tình gây lãng phí, trong khi chi phí đầu tư rất lớn và mất nhiều thời gian để thu hồi. Và với một đơn vị còn nhỏ về quy mô, TDT lựa chọn đẩy mạnh M&A, không giới hạn tại Thái Nguyên mà mở rộng sang các tỉnh Thái Bình… Từ đó, TDT có thể tận dụng những nhà máy sẵn đó và chuyên tâm quản lý cho hiệu quả".
Điều này cũng được chính Công ty nhận làm tầm nhìn 5 năm đến, tức tiếp tục phát triển hệ thống nhà máy vệ tinh. Được biết, tính đến nay hệ thống nhà máy vệ tinh của TDT đang có 10.000 công nhân, bộ máy quản lý tương đối tinh gọn, linh hoạt.
Như vậy, nói là M&A nhưng không chỉ riêng TDT, mà bất kỳ Công ty nào câu hỏi đầu tiên là "Vốn đâu?". Trả lời vấn đề này, ông Thuyên cho biết mục tiêu đưa TDT lên sàn trong năm 2018 cũng nhằm huy động vốn dễ dàng hơn.
Được biết, mức giá tham chiếu dự kiến của cổ phiếu TDT dao động từ 15.000-16.000 đồng/cp. So sánh cùng cổ phiếu hiện tại của một số công ty cùng ngành khác, mức giá trên tương đương với mặt bằng chung.
Về cơ cấu cổ đông hiện tại của TDT, Chủ tịch Công ty cho biết khá cô đặc, riêng ban lãnh đạo cùng người liên quan hiện nắm giữ đến 40-50% vốn. Đồng thời, Công ty chưa có cổ đông là tổ chức nào, tuy nhiên tương lai có được tổ chức quan tâm hay không theo ông Thuyên là tùy duyên!Lợi thế từ khách hàng và lao động "chung thủy"
Nói về lợi thế hiện tại của TDT, ban lãnh đạo Công ty khá tự hào về đội ngũ lao động ít biến động, bởi trong lĩnh vực dệt may thì bài toán nhân công luôn là bài toán khó. Được biết, nhiều năm trở lại đây đội ngũ lao động của TDT tương đối ổn định, và tương lai dự kiến sẽ duy trì. Bởi, TDT dưới Chủ tịch Thuyên luôn lấy con người làm gốc, từ đó chế độ lương thưởng và phúc lợi cho nhân viên luôn được "ưu ái" chi.
Ông Chu Thuyên – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư & Phát triển TDT: "Theo tôi, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất".
Song nghi vấn đặt ra là, trước bối cảnh cách mạng 4.0 khó tránh khỏi, liệu lao động dệt may không thay đổi có là thượng sách?
Giải đáp điều này, ông Thắng cho biết đúng cách mạng 4.0 là điều Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng không thể đứng ngoài. Do đó, bên cạnh việc ổn định đội ngũ lao động, Công ty cũng tích cực đầu tư các máy móc hiện đại nhằm cơ giới hóa một số khâu trong quá trình sản xuất.
"Thực ra chi phí về máy móc rẻ hơn cho con người nhiều, bởi nhân viên thì phải trả lương, phúc lợi, thưởng… Hơn nữa, máy móc lại đạt công suất công việc cao hơn", ông Thắng phân trần. Song, nói đi cũng phải nói lại, dự báo đến hôm nay là như thế, nhưng thực tế tương lai có thể có nhiều thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Một lợi thế khác cũng liên quan đến hai chữ "chung thủy", đó chính là danh sách khách hàng hiện tại của TDT. Theo ông Thuyên, nếu nói về đối thủ cạnh tranh thì TDT cũng không quá lo lắng, bởi khách hàng hiện nay của Công ty là làm việc từ rất lâu rồi, do đó khó mà mất mối được. Chưa kể, các đơn hàng của TDT phần lớn là có số lượng nhiều, thời gian sản xuất lâu dài nên hiệu quả tương đối cao.
Được biết, hiện tại khách hàng của TDT đang cân bằng giữa hai thị trường lớn là Mỹ và EU; bao gồm các nhà bán lẻ, siêu thị như: GAP, TARGET, KOHL’S, COSTO, Zara, Massimo Dutti, Original Marines, Teddy… Mục tiêu những năm tới, TDT sẽ tìm kiếm thêm khách hàng tại Nhật là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành dệt may tại Việt Nam.
Với những luận điểm trên, cùng quy trình may mặc khép kín với chuỗi cung ứng giá trị cũng như việc trở lại của CPTPP (TPP-11), TDT đặt kế hoạch lợi nhuận đến năm 2020 là 30,7 tỷ đồng. Riêng năm 2018 Công ty dự kiến doanh thu đạt 299 tỷ, lợi nhuận tương ứng xấp xỉ 20 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ