MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn rẻ đang dồn về nhà nước

25-07-2018 - 16:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo Bộ Tài chính, diễn biến của thị trường TPCP trong thời gian qua theo hướng tích cực cơ cấu lại nợ công, cả cơ cấu về kỳ hạn, lãi suất, cơ cấu vay trong nước và vay nước ngoài, cơ cấu các NĐT theo hướng tăng cường tính bền vững.

Mặc dù phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục chững lại từ những tháng cuối năm 2017 đến nay, song ít nhiều đã có sự linh hoạt, nhằm tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ, đảm bảo tính bền vững của nợ công và ngân sách.

Vốn rẻ đang dồn về nhà nước - Ảnh 1.

Theo đó, giá trị phát hành TPCP trong quý II/2018 đạt 34.200 tỷ đồng, chỉ bằng 52,5% khối lượng dự kiến phát hành trong quý. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, quy mô TPCP phát hành đạt 74.600 tỷ đồng, tương đương 37,3% kế hoạch cả năm. Tình trạng ế khách đã tiếp diễn từ tháng 9/2016 đến nay, bởi chưa tháng nào Kho bạc Nhà nước huy động được trên 30.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, điểm tích cực là sự linh hoạt trong phát hành TPCP ít nhiều giúp giảm áp lực đối với lãi suất TPCP. Bộ Tài chính nhận định, thời điểm này là thời điểm huy động TPCP rất rẻ. Về kỳ hạn, kết thúc năm 2017, Bộ Tài chính đã phát hành 100% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, vượt chỉ tiêu 70% được Quốc hội phê duyệt, trong đó 55% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Cơ cấu về kỳ hạn này vẫn tiếp tục được duy trì trong nửa đầu năm 2018.

Trong khi kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt mức kỷ lục, thì lãi suất phát hành năm 2017 đạt mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngay từ thời điểm năm 2017, lãi suất phát hành TPCP đã có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, trung bình giảm từ 0,6% - 1,8% so với thời điểm cuối năm 2016, qua đó tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Xu hướng giảm này cũng được kéo dài tới 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, lãi suất trúng thầu (kỳ hạn 5 năm) trong vùng 2,97 - 3,1%/năm trong quý II. Vùng lãi suất trúng thầu trong quý II nhìn chung tập trung hơn và giảm đáng kể so với mức trần của quý I (2,87-5%/năm).

Theo Bộ Tài chính, diễn biến của thị trường TPCP trong thời gian qua theo hướng tích cực cơ cấu lại nợ công, cả cơ cấu về kỳ hạn, lãi suất, cơ cấu vay trong nước và vay nước ngoài, cơ cấu các NĐT theo hướng tăng cường tính bền vững.

Thị trường TPCP trong nước hoạt động ổn định, huy động được vốn kỳ hạn dài với chi phí huy động giảm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ tăng cường huy động vốn từ thị trường trong nước do chi phí huy động vốn rẻ hơn thị trường nước ngoài. Đến nay, vay trong nước đã trở thành kênh huy động vốn chủ yếu, đạt mức 61% tổng vay nợ của Chính phủ, phù hợp với chiến lược vay và trả nợ của Chính phủ đến năm 2020.

Về kỳ hạn, đã kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP, năm 2011 bình quân là 3,9 năm đến 2017 là phát hành 12,74 năm. Qua đó, tăng kỳ hạn nợ bình quân danh mục TPCP của năm 2011 là 1,84 năm thì đến năm 2017 là 6,71 năm. Lãi suất huy động cũng giảm mạnh qua các năm. Nếu như năm 2011, bình quân chúng ta huy động là 12,1%/năm thì năm 2017 là 5,98%/năm, 5 tháng đầu năm 2018 bình quân huy động 4,12%/năm.

Về cơ cấu NĐT cũng tiếp tục có sự cải thiện theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng giữ TPCP của NHTM từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 53,06% cuối năm 2017. Tỷ lệ nắm giữ TPCP của các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư năm 2017 tăng lên là 45,95% trong khi năm 2016 là 19,57%. Cùng với đó tăng tỷ trọng đầu tư của các NĐT dài hạn từ 23% đầu năm 2016 lên mức 46,3%.

Mặc dù có nhiều thay đổi tích cực, song sự "kén chọn" hơn của người mua trên thị trường TPCP trong 6 tháng đầu năm cũng cảnh báo dấu hiệu đáng lưu ý. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị đặt thầu chỉ đạt 20,5% trong quý II, cho thấy thanh khoản tương đối dồi dào của hệ thống ngân hàng; phát hành TPCP đã chọn lọc và hiệu quả hơn từ góc độ lãi suất trúng thầu. Song điều này đặt ra lo ngại về việc những nguồn vốn rẻ nhất đang được dành cho nhà nước, thay vì cho khu vực tư nhân. Trong khi đó, tình hình giải ngân đầu tư công hết sức chậm chạp, mặt khác lại cho thấy nguồn vốn này chưa được khu vực nhà nước sử dụng hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Lan Hương

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên