MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn tín dụng bắt đầu chảy

20-12-2022 - 09:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn tín dụng sau khi các ngân hàng chính thức có thêm hạn mức tín dụng song vẫn cần thêm giải pháp để lãi suất ổn định.

Ngày 18-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số doanh nghiệp (DN) cho biết đã bắt đầu được giảm lãi suất cho vay và tiếp cận được vốn tín dụng dịp cuối năm, dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều ngân hàng thương mại tung ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, các DN bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay ổn định lâu dài.

Thêm nhiều gói tín dụng ưu đãi

Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho DN" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, các chuyên gia, cơ quan quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... Tiếp đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thông tin đã có gần 20 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN với các mức giảm khác nhau và tùy nhóm đối tượng.

Vốn tín dụng bắt đầu chảy - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp dịp cuối năm.Ảnh: BÌNH AN

Ngoài ra, hiện có khoảng 30 tổ chức tín dụng đã được nới room. VNBA đề nghị các tổ chức tín dụng căn cứ khả năng, năng lực tài chính để tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 18-12, một số ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN dịp cuối năm bên cạnh cam kết giảm lãi suất. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có chương trình cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân và DN nhỏ và vừa bổ sung vốn lưu động cho vụ Tết 2023 với lãi suất ưu đãi từ 7,3%/năm; giảm 0,2-1 điểm % so với sàn lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng này. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai chương trình cho vay vốn ngắn hạn lãi suất ưu đãi chỉ 5,5%/năm cho khách hàng DN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã...

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VNBA, trong những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của DN tăng cao trong khi nguồn tiền rất hạn hẹp vì khó huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, DN sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. "Để hỗ trợ nền kinh tế sau khi NHNN nới room tín dụng và có giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Dòng vốn cũng được định hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ" - ông Hùng cho hay.

Cần thêm nhiều giải pháp

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cho biết các khoản vay tại Vietcombank đã được tự động giảm 1 điểm % so với trước mà DN không phải thực hiện bất cứ thủ tục gì. "Chúng tôi khá ngạc nhiên vì không nhận được thông báo chính thức mà chỉ phát hiện khi đến kỳ thanh toán, số lãi phải đóng ít hơn. Điều này hỗ trợ tích cực cho DN trong mùa cao điểm cuối năm" - ông Thiện nói.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc V.Food, vấn đề DN gặp phải hiện nay là các đối tác vẫn bị tắc về vốn nên phải gồng gánh giúp họ. "Cách đây 2 ngày, một trang trại vệ tinh của chúng tôi thông báo không đáo hạn được ngân hàng nên thiếu vốn. Chúng tôi phải tăng tiền ứng trước cho họ để ổn định nguồn hàng. Điều này cho thấy dòng vốn vẫn chưa được khơi thông như mong muốn của cộng đồng DN" - ông Thiện chỉ rõ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho hay khi hạn mức tín dụng được nới, công ty đã được giải ngân nhưng đáp ứng chưa đến 15% nhu cầu. Dù vậy, khoản vay đã hỗ trợ thanh khoản cho DN, giúp DN có thể dự chi thưởng Tết cho nhân viên. "Chúng tôi kỳ vọng sang năm 2023, dòng vốn được khơi thông trở lại để DN xuất nhập khẩu nông sản đầu tư ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu" - ông Tùng bày tỏ.

Trong khi đó, giám đốc một DN ngành thủy sản cho rằng room tín dụng đã mở nhưng lãi suất còn cao, không phù hợp với tình hình sản xuất kinh - doanh hiện nay. Hiện xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chậm lại, tồn kho tăng nên DN ưu tiên bán hàng tồn kho và duy trì sản xuất cầm chừng để giữ việc làm cho người lao động. DN này mong muốn năm 2023, lãi suất giảm hoặc nhà nước tiếp tục hỗ trợ vay vốn bằng USD với lãi suất 3%-4% để hỗ trợ DN hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM - nhìn nhận việc NHNN công bố nới room tín dụng là nguồn động viên rất lớn cho cộng đồng DN, thể hiện sự chia sẻ từ phía nhà nước. Tuy vậy, bên cạnh việc nới room tín dụng, cần hàng loạt giải pháp đi kèm để hỗ trợ DN nhiều hơn, đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng, nhất là trong bối cảnh cao điểm chuẩn bị hàng Tết, phần lớn DN cần vốn lưu động cho hoạt động sản xuất, dự trữ...

Góp ý giải pháp cụ thể, ông Hòa cho rằng các ngân hàng cần nới lỏng quy định cho vay, hướng dòng vốn phục vụ nhu cầu trước mắt bởi hầu hết DN vay vốn lưu động để luân chuyển hàng hóa và thời gian vay ngắn (3-6 tháng). Song song đó, cũng cần hướng dòng vốn đi vào đầu tư dài hạn thông qua điều chỉnh lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10% để DN yên tâm tính toán phương án đầu tư. "Cần sự chia sẻ giữa đơn vị cung ứng vốn và đơn vị thụ hưởng vốn để kéo lãi suất xuống. Đồng thời, áp dụng lãi suất thả nổi để kỳ vọng sau khoảng 6 tháng đến 1 năm, khi lãi suất giảm về mức tốt hơn thì ngân hàng tiếp tục điều chỉnh. Ngoài ra, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng cần được triển khai quyết liệt để dòng vốn này chảy vào các ngành xây dựng, sắt thép, xi-măng..., từ đó kích hoạt nền kinh tế" - ông Hòa nói.

Tiếp tục gỡ khó cho bất động sản

Về giải pháp tháo gỡ nút thắt vốn cho DN bất động sản, ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital, đề xuất giảm đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này hoặc thông qua cho vay trực tiếp; thành lập quỹ/chương trình cứu trợ. "Vốn dài hạn rất cần thiết cho các dự án xây dựng nhưng công ty bất động sản hiện chỉ có thể vay tiền trong ngắn hạn. Cần quy trình phê duyệt hay từ chối dự án kịp thời hơn để các công ty lập kế hoạch dòng tiền của họ một cách hợp lý. VNĐ đã mạnh lên đáng kể trong thời gian gần đây và lạm phát đang được kiểm soát, tạo dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ" - ông Don Lam phân tích.

GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng lãi suất tăng làm chi phí vốn tăng và số lượng lớn trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023-2024 là rào cản cho đầu tư phát triển bất động sản. Ông Phạm Hồng Chương kiến nghị tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của NHNN. Bên cạnh đó, ưu tiên cho vay với dự án sắp hoàn thành, dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, lao động ở khu công nghiệp... Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết để đạt mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 là 4,5%, đòi hỏi điều hành vĩ mô thận trọng. NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong đó, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh; kiểm soát chặt đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

3 giải pháp cho thị trường trái phiếu

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, giải pháp trung và dài hạn để giải quyết rốt ráo các vấn đề của thị trường trái phiếu Việt Nam nên được tiếp cận từ 3 hướng: cung - cầu - hạ tầng trung gian.

Hiện nay, nếu không tính lượng trái phiếu được các ngân hàng nắm giữ, phần lớn nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu DN đều là nhà đầu tư cá nhân. Thị trường thiếu vắng sự tham gia của quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư cân bằng, quỹ hưu trí tự nguyện hoặc tổ chức bảo lãnh trái phiếu nội địa ngoài ngân hàng thương mại. "Việc mở rộng đối tượng được mua trái phiếu DN đến đại đa số nhà đầu tư ở Việt Nam là cần thiết để huy động nguồn lực trong dân cho mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với kênh phát hành riêng lẻ, nên hướng đến định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp như ở Nghị định 65/2022" - ông Thuân nêu quan điểm.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên