Vỏn vẹn 29 ngày, Trung Quốc móc hầu bao 23 triệu USD mua đặc sản miền Tây Việt Nam
Nếu tính cả hai tháng đầu 2024, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục đạt 75 triệu USD.
- 20-03-2024Trùm xe bán tải tại Việt Nam tuyên bố nhảy vào phân khúc xe điện giá rẻ 25.000 USD, sắp trình làng SUV và bán tải cỡ nhỏ
- 20-03-2024Hàng chục nghìn tấn báu vật giá rẻ từ Lào đổ bộ Việt Nam 2 tháng đầu năm, sản lượng nước ta gấp 8 lần so với láng giềng
- 18-03-2024Loại hoa triệu đô cực hiếm có khó tìm trên thế giới: Việt Nam thu gần 8 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, Ấn Độ, Trung Quốc mạnh tay săn lùng
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 2/2024 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 90 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo hiệp hội, xuất khẩu cá tra chứng kiến tăng trưởng âm ở hầu hết các thị trường và hầu hết các phân khúc sản phẩm.
Mặc dù sụt giảm 2 con số, lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 2/2024 sang các thị trường vẫn tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 255 triệu USD. Sự gia tăng này chủ yếu là do giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2024 tăng kỷ lục khi nhiều thị trường tăng cường nhập khẩu để tích trữ cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và lãnh thổ Hong Kong vẫn là nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam với 23 triệu USD được tiêu thụ trong tháng 2/2024, giảm 65% so với tháng 2/2023.
Hai tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong đạt 75 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 2/2024, Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường này.
Tháng 2/2024, Mỹ nhập khẩu 16 triệu USD cá tra từ Việt Nam, giảm 8% so với tháng 2/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay đạt 34 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ kim ngạch tháng trước đó tăng gần gấp đôi.
Xuất khẩu cá tra sang CPTPP trong 2 tháng đầu vượt Mỹ
Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (POR 19) đối với cá tra phile đông lạnh Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong giai đoạn 1/8/2021 - 31/7/2022.
Theo đó, mức thuế chống phá giá chung mà DOC áp cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong đợt rà soát này là 2,39 USD/kg. Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg. Ngoài ra, Công ty Cổ phần XNK Thuỷ sản Cần Thơ, Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I, Công ty Cổ phần Hùng Vương, Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex đều được áp mức thuế chống phá giá 0,18 USD/kg.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP trong 2 tháng đầu năm nay vượt Mỹ và trở thành thị trường lớn thứ 2 về tiêu thụ cá tra Việt Nam với 37 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 2/2024, khối thị trường này tiêu thụ gần 13 triệu USD cá tra, giảm 28% so với tháng 2/2023. Trong đó Canada nổi bật với mức tăng trưởng dương 23% trong khi hầu hết các quốc gia khác đều giảm nhập khẩu.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2023 ước đạt hơn 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu cá tra tại các thị trường trong thời gian tới vẫn còn rất lớn, nhất là các sản phẩm cá tra chế biến sâu.
Cụ thể, năm ngoái, Mỹ thuộc top đầu các thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Trong những tháng cuối năm 2023, nhu cầu cá tra tại thị trường này tăng, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu cá tra để phục vụ người tiêu dùng dịp năm mới.
Cá tra Việt Nam được nuôi và phát triển chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ là những vùng nuôi cá tra lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Riêng ba tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Bến Tre chiếm hơn 79% tổng sản lượng cá tra cả nước...
Đời sống Pháp luật