MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn cho doanh nghiệp: Cần giải pháp trước mắt và lâu dài

Hiện các DN vẫn rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Hiện các DN vẫn rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Việc nghiên cứu để sớm có được chính sách tài chính phù hợp, lâu dài cho phát triển công nghiệp ổn định, bền vững là vấn đề đặt ra.

Hai tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 51.000 DN phải rút lui khỏi thị trường (hoặc tạm ngừng hoạt động, hoặc giải thể, phá sản), tăng 14,5% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, bình quân 1 tháng có tới hơn 25.000 DN rút lui khỏi thị trường là con số rất lớn, cần phải tìm rõ căn nguyên để có giải pháp phù hợp hỗ trợ DN và thị trường.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, bình quân một tháng có tới 25.700 DN rút lui khỏi thị trường là con số lớn chưa từng có từ trước đến nay. Nếu tính số ngày làm việc hành chính trong 2 tháng đầu năm ít, do có nhiều ngày nghỉ lễ, Tết và tháng 2 có 28 ngày, nhưng bình quân mỗi tháng đã có gần 20.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động - cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Vốn cho doanh nghiệp: Cần giải pháp trước mắt và lâu dài - Ảnh 1.

Khơi thông nguồn vốn cho DN giúp phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, khó khăn của DN đang là thực tế, nhất là khối DN công nghiệp - khi nhiều đơn hàng xuất khẩu đã giảm mạnh từ nửa cuối năm ngoái. Việc cơ cấu lại hoạt động của nhiều DN thông qua giảm bớt dây chuyền sản xuất kéo theo giảm việc làm, thu nhập và tiêu dùng trong nước.

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, từ đầu tháng 2, nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản, thực phẩm, công nghiệp chế biến đã tăng lên, cho thấy tín hiệu phục hồi của nền sản xuất trong nước nhờ vào khả năng xuất khẩu tăng trong thời gian tới. Song, nút thắt hiện nay vẫn là làm sao để khơi thông nguồn vốn cho DN - một nguyên nhân nội tại - bên trong của nền kinh tế gắn với ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính.

“Giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ các DN hồi phục và tăng trưởng là một trong những vấn đề cần phải quan tâm. Trong thời gian tới, để giúp cho nền kinh tế và các DN có thể hồi phục tốt hơn rất cần có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bộ Tài chính cũng đã có đề nghị với Chính phủ xem xét giãn, hoãn một số loại thuế, phí, lệ phí để từ đó giúp cho các DN có thể có được ngay lượng tiền trong tài khoản để sử dụng ngay vào các hoạt động. Động thái này có thể giúp cho các DN có thời gian tạm thời về vốn, yên tâm để đầu tư…”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu.

Mạnh mẽ hơn, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu chỉ dừng ở việc giãn, hoãn thuế, phí thì chỉ 6 tháng hay nhiều là 1 năm sau DN vẫn sẽ phải nộp lại. Trong bối cảnh DN đang còn rất nhiều khó khăn sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, cộng thêm những tác động không thuận từ thị trường thế giới, cần có chính sách miễn giảm ngay một số khoản thuế, trong đó có thuế GTGT để tiếp sức cầu trong nước hiện đang rất yếu bởi cầu trong nước chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cho thúc đẩy tăng trưởng…

“Miễn, giảm thuế là hay nhất, bởi vì không phải thông qua các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện nên có hiệu lực nhanh nhất. Cùng với đó, có thể miễn, giảm thuế khi thời gian vừa qua nguồn thu rất nhiều và vượt dự toán, chính là dư địa và là cơ sở để tiếp tục miễn, giảm thuế nhiều hơn nữa cho DN”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra.

Các chuyên gia đánh giá cao một số chính sách của Chính phủ thời gian gần đây, đáng kể như việc ban hành Nghị định 08/NĐ-CP ngày 5/3/2023 - nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến trái phiếu DN riêng lẻ, vốn đã gần như “đóng băng” trong suốt nhiều tháng qua; hay Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (7/3/2023) với động thái các NHTM đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,2% - 0,6%/năm ở các kỳ hạn. Điều này cho thấy những tín hiệu về khả năng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và DN…

Mặc dù vậy, cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất công nghiệp là không dễ dàng. Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cần phải có chính sách tín dụng mới, thiết thực hơn cho các DN công nghiệp Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp, việc thu hồi vốn là khá lâu. Bởi trong giai đoạn đầu và trong cả quá trình phát triển của DN, nguồn vốn tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất công nghiệp.

“Đặc thù của sản xuất công nghiệp có xuất phát điểm thấp, DN không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng …do đó các DN rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Rất cần phải có chính sách tín dụng mới, hiệu quả và thiết thực hơn cho các DN công nghiệp Việt Nam. Cụ thể ở đây là cần hình thành những gói tín dụng ưu đãi mới để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển…”, ông Hoàn phân tích.

Rõ ràng, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo - là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế - đã giảm tới 6,9% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, với cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có tới 90% là từ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, việc nghiên cứu để sớm có được một chính sách tài chính phù hợp, lâu dài cho phát triển công nghiệp ổn định, bền vững là vấn đề đặt ra.

Theo Nguyên Linh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên