Vosco, Vinaship tiếp tục thua lỗ kéo dài
Khó khăn kéo dài khiến cả 2 doanh nghiệp vận tải biển Vosco, Vinaship tiếp tục báo lỗ lớn trong quý 4/2016.
Hai doanh nghiệp vận tải biển là Vận tải biển Việt Nam (VOS) và Vận tải biển Vinaship (VNA) cùng công bố BCTC quý 4/2016 với kết quả kinh doanh thua lỗ quen thuộc.
Theo đó, Vận tải biển Việt Nam (VOS) công bố trong quý 4/2016, doanh thu chỉ đạt 312 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2015, kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm tới 57,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp 50,45 tỷ đồng. Hoạt động tài chính ghi âm doanh thu 11,5 tỷ đồng trong khi chi phí của hoạt động này tăng 34% lên mức 58,2 tỷ đồng. Kết quả Vosco lỗ ròng 122,4 tỷ đồng cao gấp 6 lần khoản lỗ của quý 4/2015 – Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp doanh nghiệp này không thể kinh doanh có lãi.
Theo giải trình từ phía công ty, mặc dù trong kỳ công ty đã tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí theo hướng chi đúng, chi đủ nhưng do thị trường duy trì ở mức kém quá lâu, lượng cung tàu vẫn tăng làm cho giá cước tiếp tục sụt giảm trong khi giá nhiên liệu và tỷ giá đồng USD lại tăng nên kết quả kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng rất lớn.
Với việc thua lỗ suốt cả 4 quý, lũy kế cả năm 2016, VOS lỗ ròng hơn 359 tỷ đồng, trước đó vào năm 2015 công ty này cũng đã lỗ 298 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản Công ty đạt 4.239 tỷ đồng. Nợ phải trả 3.610 tỷ đồng trong đó nợ dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 80% ở mức 2.899 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 619 tỷ đồng giảm 37% so với đầu kỳ, lỗ lũy kế đang ở mức 810 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp vận tải biển khác là Vận tải biển Vinaship (VNA) cũng đồng cảnh ngộ với VOS, riêng quý 4, doanh thu của VNA giảm 48% so với cùng kỳ, chỉ đạt 117 tỷ đồng. Giá vốn cao hơn doanh thu nên công ty chịu lỗ gộp hơn 18 tỷ đồng. Trong kỳ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại lần lượt tăng thêm 41% và 16% so với cùng kỳ nên kết quả VNA chịu lỗ ròng hơn 51 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 18 tỷ đồng – Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do tình hình thị trường tàu hàng khô thế giới tiếp tục diễn biến xấu, tình trạng nhiều tàu cạnh tranh một đơn hàng vẫn rất phổ biến. Năm 2016 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm đặc biệt là lượng gạo xuất khẩu đi các nước trong khu vực Đông Nam Á khiến thị trường truyền thống của đội tàu công ty giảm rất mạnh. Bên cạnh đó tại thị trường nội địa, nguồn cung tài quá lớn so với nhu cầu vận chuyển, tạo ra sự cạnh tranh giảm giá cước. Bên cạnh đó, do số lượng tàu tham gia chở hàng nội địa tăng lên nhiều nên đã dẫn đến tình trạng ùn ứ, chờ đợi tại cảng xếp, dỡ hàng làm giảm hiệu quả kinh doanh của đội tàu. Cũng trong quý 4 giá nhiên liệu tăng mạnh trở lại làm chi phí cho đội tàu tăng cao, công ty lại có 02 tàu lên đà sửa chữa lớn. Ngoài ra công ty còn chịu khoản chênh lệch tỷ giá do biến động đồng USD vào thời điểm cuối năm.
Lũy kế cả năm 2016, VNA đạt 532 tỷ đồng doanh thu, giảm 23% so với năm trước, lỗ ròng ở mức gần 99 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản giảm 10% so với đầu năm, chỉ còn 948 tỷ đồng. Nợ phải trả đã chiếm đến 92% trong nguồn vốn ở mức 871 tỷ đồng trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn. Lỗ lũy kế của VNA hiện hơn 205 tỷ đồng.
Trên sàn niêm yết cả hai cổ phiếu VNA và VOS của 2 doanh nghiệp này hiện đều giao dịch trong diện bị kiểm soát và đều trong tình cảnh giá cổ phiếu liên tục giảm sâu, VOS hiện giao dịch ở mức giá 1.100 đ/CP trong khi VNA giao dịch ở mức giá 1.630 đồng/CP.
HSX
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Đầu tư PV2: Lỗ nặng 45 tỷ đồng do gánh nặng trích lập dự phòng
- Ông lớn bất động sản một thời 584 (NTB) ngập trong nợ nần, lỗ lũy kế hơn 1.200 tỷ
- Bán đi "tài sản xấu", Sông Đà 7 lỗ lớn 208 tỷ đồng trong năm 2016
- Doanh nghiêp “họ” Ocean lún sâu vào thua lỗ kể từ sau biến cố liên quan đến ông Hà Văn Thắm
- Doanh thu năm 2016 của HAGL lên cao kỷ lục nhờ thịt bò, nhưng vẫn lỗ ròng 1.000 tỷ đồng