MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VPBank có công ty tài chính là "bảo bối", còn Techcombank có gì?

09-06-2018 - 16:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Thu nhập ngoài lãi của TCB hiện chiếm gần 45% tổng thu nhập hoạt động (TOI), trong đó thu nhập dịch vụ chiếm 23,3%...

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) vừa niêm yết trên sàn chứng khoán được 1 tuần. Trong tuần đầu giao dịch, thị trường diễn biến khá khớp với dự báo của giới quan sát. Đó là chịu áp lực giảm trong những phiên đầu bởi hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư đã gom cổ phiếu ngân hàng này từ lâu. Và hai phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu đảo chiều tăng trần khi có lực mua mạnh, bao gồm cả khối ngoại. Hiện mỗi cổ phiếu TCB ở mức 105.000 đồng.

Trong hoạt động, Techcombank và VPBank đang là hai ngân hàng dẫn đầu khối thương mại cổ phần tư nhân hiện nay về doanh thu và khả năng sinh lời. Với VPBank, nhiều người biết ngân hàng có "bảo bối" là công ty tài chính Fe Credit với lợi nhuận đóng góp vào ngân hàng hợp nhất áp đảo cả ngân hàng mẹ. Nhưng với Techcombank thì không phải ai cũng biết nhà băng này đang có lợi thế gì.

VPBank có công ty tài chính là bảo bối, còn Techcombank có gì? - Ảnh 1.

Hai ngân hàng có quy mô tương đương và vẫn được so sánh cùng nhau nhưng Techcombank lên sàn với vốn hoá 6,5 tỷ USD còn VPBank thì chỉ đạt 2,3 tỷ USD


Techcombank hiện đang theo đuổi chiến lược khách hàng là trung tâm: Cung cấp giải pháp tài chính toàn diện không chỉ cho khách hàng mà còn cả nhà cung cấp, nhà phân phối, người dùng cuối và nhân viên của khách hàng. Hệ sinh thái khách hàng của nhà băng này thuộc diện khá "tầm cỡ" với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu là VinGroup, Sun Group...hay như Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Ngân hàng cũng có các bộ phận chuyên biệt để phục vụ khách hàng như khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp SME và cả khách hàng là các doanh nghiệp lớn đa quốc gia...

Trong một báo cáo chiến lược gửi tới các nhà đầu tư mới đây, chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận xét, bằng cách áp dụng chiến lược này, ngân hàng có thể giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong ngân hàng và tạo ra lợi nhuận trên tài sản có rủi ro (RWA) của TCB cao hơn so với mô hình ngân hàng truyền thống. 

Và nếu như VPBank có lợi thế là công ty tài chính thì Techcombank hiện đang có lợi thế trong lĩnh vực bảo hiểm liên kết ngân hàng và tư vấn trái phiếu.

Đến cuối năm 2017, TCB chiếm hơn 82% thị phần môi giới trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HSX). Sản phẩm trái phiếu đáng chú ý là ibond, được phân phối cho khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, Techcombank có thị phần lớn nhất về thị trường bancassurance, khoảng 26%. Ngân hàng đã ký kết hợp tác bancassurance dài hạn độc quyền với Manulife và ghi nhận khoản phí trả trước gần 1.500 tỷ đồng vào năm 2017.

Nhờ sự đóng góp của hai sản phẩm này, cơ cấu tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TCB khá bền vững với thu nhập lãi ròng chiếm khoảng 55-60%, và còn lại là thu nhập ngoài lãi. Năm 2017, thu nhập ngoài lãi của TCB chiếm gần 45% tổng thu nhập hoạt động (TOI), trong đó thu nhập dịch vụ chiếm 23,3% và tăng gần 95% so với 2016. Nếu không bao gồm thu nhập bất thường cho phí trả trước (trở thành bancassurance độc quyền hợp tác với Manulife), thu nhập dịch vụ tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 16%.

Kế hoạch tăng vốn năm 2018, TCB đã bán hơn 172,35 triệu cổ phiếu quỹ (hoặc 14,8% vốn điều lệ của TCB) từ HSBC vào năm 2017 cho các nhà đầu tư tài chính khác (13,5% vốn điều lệ) và cho nhân viên (1,3% vốn điều lệ). Dự kiến Techcombank sẽ trình tại đại hội cổ đông bất thường (ngày 14/6) để thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 33.000 tỷ đồng bằng cổ phiếu thưởng. Nếu kế hoạch thành công trong năm 2018, TCB sẽ đứng thứ 3 về vốn điều lệ trong nhóm các ngân hàng niêm yết (chỉ thấp hơn CTG và VCB, giả định VCB và BID không tăng vốn).

VPBank có công ty tài chính là bảo bối, còn Techcombank có gì? - Ảnh 2.

Techcombank hiện đang có lợi thế trong lĩnh vực bảo hiểm liên kết ngân hàng và tư vấn trái phiếu.


Với chiến lược hệ sinh thái lấy khách hàng làm trung tâm, các chuyên gia của VDSC cho rằng, TCB đang dần thu quả ngọt: dẫn đầu trong phân khúc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc bancassurrance và là ngân hàng hiệu quả có khả năng sinh lời cao với NIM, ROE, và ROA cao nhất, tỷ lệ tiền gửi thanh toán (CASA) cao và tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) thấp. 

Dẫu vậy những rủi ro với Techcombank không phải là không có. Hệ sinh thái của ngân hàng phụ thuộc nhiều vào một hoặc hai công ty lớn và trong một số ngành nhất định (như bất động sản). Do đó, một số sản phẩm bán chéo của nó cũng xoay quanh lõi trung tâm này. Nếu có sự cố với khách hàng đó hoặc ngành kinh doanh đi vào giai đoạn khó khăn có thể sẽ dẫn đến tác động dây chuyền tiêu cực lên hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, sau khi bán thành công cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư tài chính, vốn chủ sở hữu của TCB tăng đáng kể. Do đó, nếu thu nhập của ngân hàng không thể tăng trưởng đủ nhanh, tỷ suất sinh lời của ngân hàng cũng sẽ diễn biến tiêu cực. 

Còn VPBank, ngân hàng này vẫn đang trông chờ nhiều và ngày càng nhiều ở Fe Credit với kế hoạch năm nay tiếp tục đóng góp hơn nửa lợi nhuận vào con số 10.800 tỷ và năm sau gia tăng tỷ trọng cũng như lợi nhuận lên 11.800 tỷ. Do kỳ vọng lớn ở Fe Credit nên năm nay ngân hàng mẹ dự định sẽ rót thêm 3.000 tỷ đồng, sau khi đã tăng thêm gần 1.700 tỷ đồng vốn năm ngoái, lên tổng cộng hơn 7.700 tỷ đồng vốn điều lệ.

VPBank có công ty tài chính là bảo bối, còn Techcombank có gì? - Ảnh 3.

Fe Credit đã, đang và sẽ là bảo bối của VPBank

Cũng như Techcombank, ngân hàng VPBank hợp nhất nói chung và Fe Credit nói riêng cũng có những rủi ro nhất định đó là thị trường tài chính tiêu dùng phát triển không như dự đoán, chưa kể sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi có sự tham gia sâu rộng và khá mạnh bạo của các công ty đối thủ khác.


Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên