MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VPBank đã nhận hơn 20.000 tỷ ''tiền tươi'' từ SMBC, số tiền khổng lồ này sẽ được ngân hàng "chia" thế nào?

30-01-2022 - 08:14 AM | Tài chính - ngân hàng

VPBank đã nhận hơn 20.000 tỷ ''tiền tươi'' từ SMBC, số tiền khổng lồ này sẽ được ngân hàng "chia" thế nào?

Tính đến cuối tháng 12/2021, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt gần 86.500 tỷ đồng, tăng 64% so với cuối năm trước và bỏ xa các ngân hàng khác trong nhóm cổ phần.

VPBank vừa công vừa báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ cả năm 2021 lên tới 37.963 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm trước đó. Đây cũng là con số lợi nhuận riêng lẻ kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay, đồng thời ghi nhận một kỷ lục mới của ngành ngân hàng Việt Nam về lợi nhuận.

Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận; riêng thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, VPBank đã nhận lượng tiền gần 25.934 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Điều này đồng nghĩa VPBank đã được Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thanh toán tiền mua cổ phần tại công ty tài chính FE Credit.

Trước đó, VPBank đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 49% phần góp vốn tại FECredit cho SMBC vào cuối tháng 4/2021. Ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến thương vụ này sẽ đem về cho ngân hàng khoảng 1,4 tỷ USD (tương đương 30.000 tỷ đồng); trong đó, 90% lượng tiền thu về từ bán vốn tại FE Credit sẽ được ghi nhận trong năm 2021, 10% còn lại tiếp tục nhận về trong năm nay.

VPBank nhận định việc thoái bớt gần một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng này củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác.

VPBank sẽ "chia" khối tiền khổng lồ như thế nào?

Số tiền ''khủng'' thu về góp phần giúp tổng tài sản hợp nhất của VPBank tăng vọt 30,7% trong năm 2021 lên 547.626 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 22,2% ở mức 317.291 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng đột biến lên 57.104 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cuối năm 2020; các khoản phải thu tăng gấp 2,2 lần lên 39.015 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 12/2021, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt gần 86.500 tỷ đồng, tăng 64% so với cuối năm trước và bỏ xa các ngân hàng trong nhóm cổ phần như Techcombank, MB và SHB.

Không chỉ vậy, VPBank vẫn còn kế hoạch chào bán riêng lẻ 15% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã được VPBank đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Đối tác đang được đồn đoán là SMBC (Nhật Bản), cũng chính là đối tác đã mua lại 49% vốn FE Credit với giá trị kỷ lục gần 1,4 tỷ USD.

Tại buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư quý III, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý I/2022. 

Trong diễn biến mới nhất, nhà băng này vừa xin ý kiến cổ đông nâng ''room" ngoại lên 17,5% thay vì 15% kế hoạch ban đầu. VPBank cho biết việc điều chỉnh là đủ để ngân hàng triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại trong việc mua bán trên thị trường chứng khoán.

Một nguồn tin từ nhà băng này tiết lộ với Trí thức trẻ, vốn chủ sở hữu dự kiến sẽ tăng lên 125.000 tỷ đồng trong năm 2022 sau đợt phát hành riêng lẻ 15% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài sắp tới. "Lượng vốn chủ sở hữu tăng nhanh sẽ là một thách thức rất lớn với ban điều hành ngân hàng", ông này cho biết.

Tuy nhiên, nguồn vốn chủ sở hữu lớn sẽ giúp VPBank tham gia mạnh hơn vào các mảng trước đây khó cạnh tranh với các ngân hàng quốc doanh như cho vay doanh nghiệp lớn. "Trước đây, chúng tôi chưa mạnh về CASA nhưng sắp tới sẽ thay đổi", ông này nói.

Trên cơ sở nguồn lực tài chính dồi dào, ban lãnh đạo VPBank cũng không hề giấu giếm kế hoạch chuyển từ một ngân hàng tập trung cho vay (lending bank) sang mô hình ngân hàng đa năng (universal bank). Theo đó, ngoài việc phát triển mạnh hơn các mảng về ngân hàng số (VPBank NEO), micro SME, bán lẻ,… nhà băng này sẽ bổ sung thêm nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.

"Chúng tôi hy vọng có mặt nổi trội ở nhiều phân khúc dịch vụ ngân hàng với hệ sinh thái số đi kèm, với độ phủ rộng hơn trước nhiều", lãnh đạo cấp cao VPBank chia sẻ.

Trên thực tế, việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới đã có những bước đi đầu tiên khi mới đây VPBank thông báo sẽ mua lại Công ty chứng khoán ASC. Cụ thể, VPBank sẽ nhận chuyển nhượng 26,186 triệu cổ phần từ ASC, tương đương 97,42% vốn công ty chứng khoán này từ các cổ đông hiện hữu. Sau giao dịch, VPBank sẽ trở thành công ty mẹ, chi phối hoạt động của ASC.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vào cuối năm 2021, bà Lưu Thị Thảo – Phó Tổng giám đốc VPBank cho biết ngân hàng trước đây từng có một công ty chứng khoán, nhưng sau đó đã bán đi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, VPBank đang cân nhắc việc mở thêm một Công ty chứng khoán để mở rộng mạng lưới kinh doanh, khách hàng cũng như gia tăng các sản phẩm bán chéo.

https://cafef.vn/vpbank-da-nhan-hon-20000-ty-tien-tuoi-tu-smbc-so-tien-khong-lo-nay-se-duoc-giai-ngan-vao-dau-20220128095325702.chn

Quốc Thụy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên