VPBank làm ăn thế nào sau khi các cổ đông lớn rút vốn?
Gần đây, làn sóng rút vốn của các nhà đầu tư ngoại khỏi ngân hàng Việt làm dấy lên những lo lắng về tương lai của các ngân hàng trong nước khi không còn được hỗ trợ từ phía các nhà đầu tư ngoại.
- 18-07-2017VPBank nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HoSE, trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán
- 18-07-2017Người nhà phó chủ tịch VPBank dự chi hơn 3.800 tỷ để mua vào lượng cổ phiếu với lô lớn chưa từng có
- 12-07-2017VPBank hoàn tất chia thưởng và trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 32,83%
- 25-05-2017VPBank tổ chức roadshow chào bán cổ phiếu huy động 200 triệu USD
- 08-05-2017Lương thưởng của nhân viên ngân hàng VietinBank và BIDV đã "thua" Techcombank, VPBank
Tuy nhiên nếu nhìn vào kết quả hoạt động của VPBank vài năm trở lại đây, nhất là sau khi hai cổ đông lớn nhất rút vốn, nhiều nhà đầu tư sẽ phải nghĩ khác.
Trên giấy tờ, VPBank không còn một cổ đông lớn nào từ cuối năm 2013
Còn nhớ hơn 3 năm về trước, nhà đầu tư chiến lược cũng là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) đã công bố thoái vốn toàn bộ khỏi VPBank. Trước đó OCBC nắm 15% và là đối tác chiến lược của VPBank từ năm 2008.
Trong giai đoạn 2008 tới 2012, lợi nhuận của VPBank đều tăng trưởng ấn tượng, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2008 đạt lợi nhuận ròng gần 143 tỷ đồng; năm 2009 là 383 tỷ; năm 2010 là 503 tỷ; năm 2011 đạt 800 tỷ. Tuy nhiên đến năm 2012, lợi nhuận sụt giảm xuống còn 640 tỷ đồng.
Trước OCBC, một cổ đông lớn khác của VPBank là công ty cổ phần đầu tư Châu Thổ cũng đã thoái toàn bộ 15% vốn khỏi nhà băng này vào cuối năm 2012.
Như vậy trên giấy tờ sổ sách, từ cuối năm 2013 VPBank đã không còn một cổ đông lớn nào. Có thể sau khi lên sàn (dự kiến đầu tháng 9 năm nay) cấu trúc này sẽ có thay đổi.
Bước ngoặt lớn
Trong năm 2013, mặc dù hai cổ đông lớn nhất thoái vốn nhưng VPBank lại cho thấy có sự thay đổi đáng kể. Ngân hàng thay đổi mô hình hoạt động theo mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại, đồng thời cũng đặc biệt chú trọng củng cố bộ máy nhân sự khi đầu tư mạnh để có được các nhân sự cao cấp đến từ các tổ chức nước ngoài như McKinsey, Citibank, ING, Alliance Bank...Các vị trí chủ chốt trong bộ máy vận hành cũng được bổ sung để đảm bảo hệ thống hoạt động liền mạch và chuyên nghiệp.
Nếu như 9 tháng đầu năm 2013 lợi nhuận ngân hàng tiếp nối xu hướng của năm 2012 là tiếp tục thấp hơn cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 423 tỷ đồng, thì trong quý cuối năm 2013 VPBank lại bất ngờ bật dậy và nâng lợi nhuận ròng cả năm ấy lên mức hơn 1.000 tỷ.
Và điểm lại thì từ năm 2013, mặc dù không còn bóng dáng cổ đông lớn nào song lại là bước ngoặt quan trọng của ngân hàng này khi từ đó tới nay VPBank liên tục leo dốc, trở thành ngân hàng dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận ở thời điểm hiện tại.
Cụ thể, năm 2013 VPBank lãi ròng 1.017 tỷ đồng, đến năm 2014 tăng lên 1.253 tỷ, năm 2015 lãi gấp đôi lên 2.395 tỷ đồng và năm 2016 lãi 3.935 tỷ đồng – chỉ kém 3 ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối là VietinBank, BIDV và Vietcombank. Từ chỗ ngân hàng có vốn điều lệ chưa đến 5.800 tỷ đồng và nhân sự hơn 4.000 người vào cuối năm 2013, đến năm nay VPBank đã tăng vốn lên trên 10.000 tỷ và đang phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng tiếp lên hơn 14.000 tỷ.
Dấu ấn lãnh đạo mới cùng khẩu vị kinh doanh khác biệt - "thích rủi ro"
Có được kết quả kinh doanh ấn tượng trên, thị trường chắc hẳn không thể phủ nhận được công lao của các vị lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này: ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc. Hai người được coi là linh hồn hiện nay của VPBank.
Ông Nguyễn Đức Vinh là một CEO có “thương hiệu” đắt giá trong giới ngân hàng từ trước tới nay. Trước khi gia nhập VPBank vào tháng 7/2012, ông Vinh từng ghi dấu ấn quan trọng trong 12 năm gắn bó ở ngân hàng Techcombank, đưa ngân hàng này lên 1 tầm cao mới, một đối thủ cạnh tranh vẫn luôn được đặt lên bàn cân với VPBank.
Từ khi gia nhập VPBank, ông Vinh được cho là đã mang đến một làn gió mới cho ngân hàng này khi tất cả các hoạt động đều trở mình bật dậy nhanh chóng. Và như vị CEO từng thừa nhận, VPBank có khẩu vị kinh doanh khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh đó là lựa chọn đi theo kinh doanh các hoạt động có tính rủi ro cao. Tất nhiên, cái giá cho rủi ro cao là lợi nhuận cao.
Thật vậy, trong cơ cấu tín dụng, ngân hàng mẹ chuộng hơn các khoản cho vay tiêu dùng và cá nhân, còn ngân hàng hợp nhất thì vẫn lấy mảng cho vay tiêu dùng với thương hiệu FECredit làm động lực chính cho sự phát triển. Dù ra đời đã được 7 năm nhưng FE Credit cũng mới ghi dấu ấn mạnh mẽ được 3 năm trở lại đây, công ty này cũng chứng minh được rằng đường lối của những người lựa chọn nó là không sai khi trong 2 năm vừa qua đều đóng góp tới một nửa vào tổng lợi nhuận của ngân hàng VPBank hợp nhất.
Và bởi lựa chọn khẩu vị kinh doanh rủi ro cao nên thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng này cũng luôn cao hơn các ngân hàng khác, những năm trước là trên 4% còn năm vừa qua cũng hơn 3%. Nếu tính chung cả Fe Credit nữa thì NIM tăng gấp đôi. Dù được coi là có khẩu vị rủi ro cao nhưng hệ số an toàn vốn của ngân hàng này đảm bảo ở quanh vùng 11-12% suốt 5 năm qua, trong khi yêu cầu tối thiểu của NHNN là 9%.
Hồi đầu năm nay đã có một số tin đồn trên thị trường về sự ra đi của ông Nguyễn Đức Vinh nhưng vị CEO này chia sẻ ông chưa có ý định đó và cách đây 1 tuần ông đã chứng minh điều này khi VPBank có quyết định tái bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của HĐQT với ông.
Nhân vật được coi là chủ chốt tiếp theo là ông chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng. Ông Ngô Chí Dũng xuất hiện ở VPBank từ năm 2010 với chức danh chủ tịch HĐQT. Trước đó ông là đồng nghiệp của ông Nguyễn Đức Vinh ở Techcombank với vị trí phó chủ tịch HĐQT. Ông Dũng còn được biết đến là cổ đông sáng lập và thành viên HĐQT của VIB. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, lại cũng có thời gian kinh doanh lớn ở Nga như các doanh nhân khác cùng thời, ông Ngô Chí Dũng và ông Nguyễn Đức Vinh được xem là cặp bài trùng đã “song kiếm hợp bích” để xây dựng VPBank được như hôm nay.
Kín tiếng nhưng có những bước đi táo bạo, hai vị lãnh đạo của VPBank còn tiếp tục tạo nên những bất ngờ, khác biệt với các ngân hàng khác khi quyết định đưa cổ phiếu của ngân hàng này lên thẳng sàn chứng khoán HoSE thay vì đi từ UPCoM như các ngân hàng khác. Nếu năm nay niêm yết, VPBank sẽ vượt qua các ngân hàng đàn anh khác trên sàn là STB, MB để trở thành ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa thị trường cao nhất.
Nhưng... đừng ngủ quên trên chiến thắng
Những kết quả của VPBank đã được ghi nhận. Song bên cạnh đó ngân hàng này vẫn có nhiều vấn đề cần quan tâm lo lắng, nếu chủ quan mà “ngủ quên trên chiến thắng” thì có thể phải trả giá.
Đầu tiên là về vấn đề nợ xấu. Hiện nay VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong hệ thống các ngân hàng cổ phần, tất nhiên loại trừ Sacombank đang tái cơ cấu. Riêng ngân hàng có nợ xấu chưa đến 3% nhưng sau khi cộng của Fe Credit với tỷ lệ nợ xấu gần 6% thì tổng nợ xấu của ngân hàng hợp nhất cao hơn so với mặt bằng chung các ngân hàng khác. Một số ngân hàng không có công ty tài chính chỉ duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, thậm chí có nơi chỉ 1%.
Chưa hết, đây mới chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng.
VPBank còn đang sở hữu số trái phiếu VAMC sau khi bán nợ cho công ty này với hơn 4.100 tỷ đồng và các khoản nợ đó sẽ phải xử lý trích lập dự phòng hàng năm. Theo quy định hiện hành, VPBank sẽ có 5 năm để trích lập hết dự phòng cho số nợ đã bán cho VAMC. Dù rằng nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội đã ban hành và toàn ngành ngân hàng đang ráo riết vào cuộc, nhưng rõ ràng vấn đề xử lý nợ xấu trên thực tế cũng chẳng dễ dàng như phép tính cộng trừ nhân chia trên giấy. Trong hệ thống, số nợ mà VPBank đang gửi ở VAMC là cao thứ 4 chỉ sau BIDV, VietinBank và Eximbank.
Ngoài số nợ xấu đang sở hữu và số nợ bán cho VAMC, tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng, thì VPBank còn đối mặt với số nợ xấu tăng lên mỗi năm, bởi lẽ nợ xấu tất yếu sẽ phát sinh song hành với tăng trưởng tín dụng. Nếu nợ xấu không được xử lý nhanh thì sẽ tích lũy lên rất cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.
Thứ hai, VPBank cũng đối mặt với làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ từ khắp mọi phía. Ở trong nước, Techcombank đang là “kỳ phùng địch thủ” của VPBank, cũng là ngân hàng đang có những chuyển biến hết sức đáng chú ý. Techcombank đi mạnh vào bán lẻ, khác con đường chọn tài chính tiêu dùng là tâm điểm của VPBank nhưng cũng cho những kết quả hết sức bất ngờ. Thậm chí nếu không tính đến các công ty con, Techcombank còn có phần hơn VPBank.
Thêm nữa, trong mảng tín dụng tiêu dùng, nếu như VPBank có thể hưởng chiếc bánh ngon suốt mấy năm qua, nhưng tới đây chắc không dễ dàng, khi hàng loạt các ngân hàng đã cho ra đời công ty tài chính, hoặc liên kết với đối tác nước ngoài để đánh mạnh mảng này. Các ngân hàng đó bản thân cũng rất có tiềm lực trên thị trường như MB, SHB, ACB, HDBank…
Còn trong mảng bán lẻ, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều đẩy mạnh để cạnh tranh. Rất khó thậm chí là không có ngân hàng nào dửng dưng với việc cho vay ô tô, sửa chữa nhà ở, hộ gia đình, các doanh nghiệp SME hay thẻ tín dụng…
Cũng như các ngân hàng khác của Việt Nam, VPBank cũng sẽ đối mặt với làn sóng cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ phía các ngân hàng ngoại. Cho đến thời điểm này đã có 9 ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam, chưa kể sắp tới còn có thêm các "tay chơi" kinh nghiệm khác khi chủ trương của Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Trong một thị trường đã được coi là chật chội các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng, số tăng thêm luôn cố gắng cạnh tranh với chất lượng phục vụ tốt hơn, nếu VPBank cùng các ngân hàng nội không làm tốt, không cải thiện và phát triển mỗi ngày thì khả năng bị tụt hậu sẽ đến, thậm chí còn bị loại khỏi cuộc chơi chứ đừng mong có thể đứng yên hưởng trái ngọt.
Trí Thức Trẻ