MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VTV xin thoái vốn để cứu K+ dừng thua lỗ

29-04-2016 - 10:15 AM | Doanh nghiệp

Theo Tổng giám đốc K+, VTV đang trình Thủ tướng phương án thoái vốn tại liên doanh K+, VTV sẽ chỉ giữ 25%. Đây được coi là giải pháp giúp K+ tăng vốn kinh doanh, giảm phần trả lãi vay, thoát khỏi tình trạng thua lỗ chưa có điểm dừng trong vòng 7 năm qua.

Liên quan tới việc mới đây VTV đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xin thoái một phần vốn khỏi liên doanh K+ như là một giải pháp để giúp K+ thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho hay, khi VTV liên doanh với Canal+, VTV chiếm 51% vốn nhưng chỉ góp vốn bằng hiện vật là cái trạm phát sóng cũ. Hiện nay cái trạm này đã được K+ nâng cấp mới hoàn toàn, số tiền nâng cấp này hết 12 triệu còn cao hơn số tiền được tính là vốn của VTV ban đầu.

Cũng theo ông Công, theo các điều luật về kinh doanh truyền hình trả tiền, khi doanh nghiệp còn hoạt động hay chuyển đổi đầu tư thì trạm phát sóng này vẫn còn. Do vậy có thể nói phần vốn góp của Nhà nước trong liên doanh K+ không mất đi đâu, việc đầu tư của VTV vào K+ hoàn toàn không có rủi ro.

Dù thua lỗ nặng nhưng K+ lại tiếp tục đầu tư vào món hàng đắt đỏ là bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 với số tiền được dự đoán lên đến 40 triệu USD. Ông Công cho hay, việc đầu tư tiếp vào món hàng đắt đỏ Ngoại hạng Anh phụ thuộc vào chiến lược dài hạn của K+, ngân sách mua Ngoại hạng Anh luôn nằm trong kế hoạch, K+ hoàn toàn chủ động được điều đó. K+ phải chấp nhận lùi 1 bước để đầu tư mới để phát triển, hay là chọn hướng cứ phát triển làng nhàng thế này.

Khi có bản quyền Ngoại hạng Anh, dự tính năm 2016 K+ sẽ lỗ thêm vì ngoài việc phải đầu tư nhiều cho chương trình, K+ còn phải chi phí lớn để trả lãi vay.

Theo lãnh đạo K+, khi đi vào hoạt động vào thời điểm ban đầu K+ cần khoảng 54 triệu USD, trong khi phần vốn góp 2 bên chỉ có 20 triệu USD, do đó 80% vốn kinh doanh là do Canal+ bảo lãnh cho K+ đi vay. K+ phải chịu trả lãi mẹ đẻ lãi con, nguyên lãi vay một năm phải trả khoảng 5 triệu USD (trên 100 tỷ đồng-PV).

Chính vì vậy hiện tại VTV đang xin Thủ tướng Chính phủ phương án cho thoái vốn tại K+. Nếu VTV giữ tỷ lệ vốn góp cao nhưng không có tiền, thì nên rút bớt vốn để đối tác có tiền đầu tư vào, để tránh phải trả lãi vay.

Cũng theo ông Công, nếu không đầu tư đến nơi đến chốn mà kinh doanh bằng nguồn vốn đi vay, lãi mẹ đẻ lãi con thì việc lỗ không có điểm dừng là điều không tránh khỏi. Với một doanh nghiệp kinh doanh lãi cả trăm tỷ đồng một năm là rất khó khăn, nhiều năm nay K+ làm được đến đâu chỉ đủ trả lãi vay. Do đó, VTV hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép VTV rút bớt vốn để tăng vốn cho Canal+ và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Nếu cứ để lỗ kéo dài thế này thì VTV không được chia lợi nhuận. Quan điểm của VTV, nếu bán bớt phần vốn của VTV đi sẽ phải trả đủ 10 triệu USD vốn đầu tư ban đầu cho nhà nước, nhà nước không phải lo rủi ro nữa. Bên cạnh đó, VTV phải được thêm ít nhất 25% vốn góp của liên doanh sau này, đó là phần được của VTV. Ai góp vốn vào liên doanh cũng vậy, nếu không được điều này chúng tôi sẽ không làm”, ông Công cho hay.

Ông Công cũng khẳng định: Với K+ không có vấn đề phá sản. Trong 7 năm hoạt động, K+ chưa bao giờ chậm thanh toán tiền vay, chưa bao giờ nợ tiền lương hay bảo hiểm, chưa chậm thanh toán bất cứ khoản tiền nào.

Theo báo cáo của VTV gửi Thủ tướng Chính phủ, trong 7 năm hoạt động mặc dù tăng trưởng thuê bao tốt nhưng K+ luôn trong trình trạng thua lỗ. K+ vẫn kinh doanh lỗ đến hết năm 2015 (83 tỷ đồng), dù thời điểm 30/6/2015 được công bố là hòa vốn. Lỗ lũy kế của K+ đến hết 2015 là 1.979 tỷ đồng, khoản vay nợ khoảng 1.800 tỷ đồng. K+ dự báo năm 2016 sẽ vẫn lỗ hơn 260 tỷ đồng và năm 2017 là 120 tỷ đồng.

Theo M.Q

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên