Vụ 100 container hạt điều xuất sang Italia: Bộ Công Thương vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp
Liên quan vụ 100 container nhân điều xuất khẩu sang Italia có dấu hiệu bị lừa đảo gây chấn động dư luận những ngày qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã vào cuộc hỗ trợ tìm cách giúp các doanh nghiệp giải quyết vụ việc.
- 13-03-2022Vinacas muốn được Interpol Việt Nam hỗ trợ vụ 36 container điều bị mất kiểm soát
- 13-03-2022Liệu 5 ngân hàng Việt có phải chịu rủi ro trong vụ nghi lừa đảo gần 1.000 tỷ lớn nhất lịch sử ngành điều?
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, có thông tin cho rằng phương thức thanh toán D/P là một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, nhưng thực tế, trong thương mại quốc tế có nhiều hình thức thanh toán khác nhau được áp dụng như: điện chuyển tiền (T/T); trả tiền nhận chứng từ (D/P); thư tín dụng (L/C)… Hình thức thanh toán nào thì cũng đều có ưu, nhược điểm từ góc độ của mỗi bên tham gia kinh doanh.
Đặc biệt, theo chia sẻ của chính doanh nghiệp có container hàng xuất khẩu mắc kẹt ở Italia, tuy được đánh giá là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất nhưng trong thực tế thương mại nông sản, L/C lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất. Bản chất do hàng nông sản thường có giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà họ mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không ở mức 100% thì cũng phải một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế cả. Nếu người bán cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác. Đó là chưa kể thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Do đó, L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỷ lệ thanh toán đối với hàng nông sản.
Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán T/T, D/P và CAD (thanh toán chứng từ trả tiền ngay) khi ký hợp đồng. Phương thức D/P hoặc CAD bớt rủi ro không được thanh toán cho người bán, mà cũng không mất nhiều thời gian, không yêu cầu người mua phải ký quỹ tại ngân hàng nên thường được cả người mua, người bán cùng chấp nhận. Từ đó hình thành cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
“Khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức thanh toán tiện nhất cho họ. Nếu thị trường thuộc về người bán thì người bán mới có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình”, ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, câu chuyện các container nhân hạt điều tại Italia vẫn chưa kết thúc, các bên cần chung tay để tìm ra giải pháp khả dĩ nhất hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó cũng rút ra những bài học cần thiết để xuất khẩu nông sản tiếp tục vươn lên.
Tiền phong