Vụ 149 người ngộ độc: Sẽ phạt nặng cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12
Có tổng cộng 149 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì của cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
- 21-08-2024Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn liên tiếp xảy ra: 4 điều không nên làm trong nhà bếp
- 20-08-2024Ăn xong chiếc bánh mì kẹp thịt, cô gái bỗng nghẹt thở, yếu tứ chi, không phải nghẹn hay ngộ độc thực phẩm, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân ai cũng có thể bất ngờ gặp phải
- 17-08-2024Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo nguy cơ ngộ độc 1 loại khí từ những thiết bị nhà bếp hiện đại
Ngày 28-8, tại hội nghị giao ban báo chí tháng 8-2024 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp tổ chức, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết ngành chức năng của tỉnh đang hoàn tất các thủ tục để xử lý cơ sở bánh mì gây ra vụ 149 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì của cơ sở này.
Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo về các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì thịt của cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, Công ty TNHH May túi xách Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương) có hợp đồng với cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12 để hàng ngày mua bánh mì thịt cho công nhân ăn lúc tăng ca.
Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 6-8, nhân viên của cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12 giao 33 ổ bánh mì thịt đến Công ty Thái Dương, có 30 người ăn ca tối.
Trong khoảng từ 7-9 giờ hôm sau, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự tiếp nhận 11 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng lâm sàng như: đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy…
Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, thêm 9 ca nhập viện với các triệu chứng tương tự. Từ ngày 8 đến 13-8, tiếp tục có thêm nhiều trường hợp nhập viện, nâng tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm lên 149 trường hợp.
Ngay say khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã gửi mẫu bệnh phẩm lên Viện Pasteur; còn mẫu thực phẩm thì gửi về Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp để tìm nguyên nhân ngộ độc.
Qua kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm xác định nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn Salmonella có trong patê gan do cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 tự sản xuất.
Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã đề xuất UBND TP Hồng Ngự thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12.
Hiện, các ngành chức năng ở tỉnh Đồng Tháp đã có đề xuất buộc cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 đóng cửa 3-5 tháng; đồng thời phạt hành chính 80-100 triệu đồng.
Ngoài ra, tiền viện phí trên 300 triệu đồng mà các nạn nhân bị ngộ độc đã chi trả, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp sẽ xem xét yêu cầu cơ sở bánh mì này hoàn trả lại nếu có đủ căn cứ.
Người Lao động