Vụ án 'chuyến bay giải cứu': Hành khách có được bồi thường?
Theo dõi thông tin vụ án “Chuyến bay giải cứu”, dư luận đặt câu hỏi, đến nay đã xác định rõ hành vi đưa và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp và nhóm cựu quan chức các bộ, ngành, vậy những công dân phải mua vé đi máy bay giá cao giữ vai trò gì trong vụ án, họ có quyền được yêu cầu bồi thường hay không?
- 20-04-2023Danh sách 10 người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ "chuyến bay giải cứu"
- 20-04-2023Cựu thiếu tướng bị cáo buộc môi giới hối lộ như thế nào ở vụ "chuyến bay giải cứu"?
- 19-04-2023Vụ chuyến bay giải cứu: 25 cá nhân nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng
Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nội dung cáo trạng thể hiện, do dịch COVID-19 bùng phát, từ đầu năm 2020 - 2021, cơ quan chức năng Việt Nam cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Trong đó, từ tháng 4/2020 - 1/2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức 772 chuyến bay, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo (chuyến bay hành khách tự chi trả chi phí, phí cách ly- PV).
Quá trình thực hiện, đại diện các doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp lữ hành du lịch) đã móc nối, đưa hối lộ cho nhóm cán bộ tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và một số cán bộ địa phương, để được “tạo điều kiện” cấp phép các chuyến bay, nơi cách ly tập trung.
Cáo trạng cho rằng, để có chi phí “bôi trơn”, nhóm doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay, “tăng” thêm nhiều chi phí phát sinh với công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước cách ly.
Liên quan vụ án, có 21 bị can bị truy tố ở nhóm tội “Nhận hối lộ”. Trong số này, có loạt cựu cán bộ cao cấp như: ông Tô Anh Dũng, ông Vũ Hồng Nam (đều là nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), bà Nguyễn Thị Hương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự), ông Nguyễn Quang Linh (nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh)…23 bị can bị truy tố tội “Đưa hối lộ”, nhóm bị can này chủ yếu là chủ doanh nghiệp du lịch lữ hành hoặc người lao động tự do.
4 bị can bị truy tố tội “Môi giới hối lộ”, trong đó điển hình nhất có nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.
4 bị can bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
1 bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 người bị truy tố về hai tội “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo dõi thông tin vụ án, dư luận đặt câu hỏi “đến nay đã xác định rõ hành vi đưa và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp và quan chức, vậy những công dân phải mua vé bay giá cao giữ vai trò gì trong vụ án, họ có quyền được yêu cầu bồi thường?”.
Khó hoàn trả tiền cho công dân
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho hay, kết luận điều tra xác định các công dân về nước không có hành vi nào liên quan đến năm tội danh đã truy tố.
Theo luật sư Giáp, về bản chất, việc mua vé bay giữa công dân về nước với doanh nghiệp lữ hành du lịch là quan hệ dân sự, hai bên thực hiện trên tinh thần thỏa thuận và tự nguyện. Mặt khác, giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định khung.
Do đó, luật sư Giáp cho rằng, không thể xác định các công dân là đương sự trong vụ án hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự; cũng như rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của doanh nghiệp đã thu của họ.
“Công dân nào thấy bản thân bị thiệt hại từ việc mua vé với giá cao hoặc chi phí bất hợp lý cần có đơn trình báo, tố giác, làm cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh”, luật sư Giáp phân tích đồng thời cho biết, nếu việc xác minh được tiến hành sẽ tập trung làm rõ giá trị thực của vé là bao nhiêu, đã mua ở mức nào, tăng nhiều hay ít, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thu lợi bất chính trong thời điểm dịch bệnh hay không.
Ngoài ra, quá trình xác minh cần xác định giao dịch diễn ra ở đâu. Nếu mua bán bởi các đại lý trong nước, thẩm quyền xác minh sẽ do cơ quan chức năng của Việt Nam; nếu mua ngoài lãnh thổ Việt Nam thì việc xác minh gặp khó khăn hơn rất nhiều...
Nhà nước không phải bị hại
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ mối quan hệ giữa công dân và các doanh nghiệp đứng ra tổ chức chuyến bay; làm rõ tính pháp lý của các giao dịch phải nộp tiền để thực hiện dịch vụ; dòng tiền di chuyển và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức cá nhân có liên quan để giải quyết triệt để, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo quy định của pháp luật.
“Sắp tới khi đưa vụ án ra xét xử, có thể tòa án sẽ cân nhắc đến vai trò tố tụng của những người có liên quan trong việc nộp tiền mua vé để được về nước hoặc với vai trò là người làm chứng”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, đối với nhóm bị can phạm tội “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, họ không trực tiếp nhận “lợi ích” từ công dân trong các chuyến bay giải cứu. Kết quả điều tra đến nay cho thấy, hành vi của bị can không trực tiếp xâm phạm đến tài sản của cơ quan Nhà nước nên cũng không xác định Nhà nước là bị hại.
Vì vậy, đối với hành vi nhận hối lộ trong vụ án này, của nhận hối lộ sẽ bị thu hồi, sung vào công quỹ. Trừ trường hợp người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được trả lại một phần tiền hối lộ hoặc trả lại toàn bộ, theo quy định tại khoản 6 và 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Tiền phong