MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ án cựu Chủ tịch Công ty Sen Tài Thu: Bị hại cần làm gì để đòi lại tiền đầu tư?

30-01-2024 - 10:43 AM | Xã hội

Theo luật sư, bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Sen Tài Thu cần liên hệ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại, đồng thời cung cấp các tài liệu, đồ vật chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết.

Vụ án cựu Chủ tịch Công ty Sen Tài Thu: Bị hại cần làm gì để đòi lại tiền đầu tư? - Ảnh 1.

Bà Hòa (trái) cùng các đối tượng liên quan trong vụ án.

Liên quan đến vụ án " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Sen Tài Thu , ngày 29/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố bà Phạm Thị Hòa (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị), Nguyễn Thị Thùy Linh (nguyên phó Tổng Giám đốc, con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Tổng Giám đốc) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" .

Cơ quan điều tra xác định, nhóm lãnh đạo công ty đã nâng khống vốn điều lệ từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng để phát hành cổ phần và đưa ra các thông tin gian dối về tình hình hoạt động, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng; chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần; sử dụng cổ phần cá nhân của bà Phạm Thị Hòa để huy động vốn, ký hợp đồng bán cổ phần cho các nhà đầu tư.

Từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (giá trị trên hợp đồng) đến công ty Sen Tài Thu. Đến thời điểm hiện tại, công ty không còn khả năng thanh toán.

Theo quan điểm của Ts. luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, trong vụ án trên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện theo hệ thống với nhiều người cùng tham gia. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra xác định vai trò trách nhiệm đối với từng vị trí quản lý của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của người bị hại đang ở đâu để tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi tài sản cho các nạn nhân.

"Lòng tin từ thương hiệu gây dựng mấy chục năm đã bị đánh cắp, bị hủy hoại bởi lòng tham và sự cám dỗ của đồng tiền của những người điều hành doanh nghiệp này những năm gần đây" - Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng , sẽ kê biên đối với các bất động sản, sẽ ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.

"Nếu các bị can hoặc những người thân thích của bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can. Việc bồi thường khắc phục hậu quả có thể là một phần hoặc toàn bộ hậu quả tùy thuộc vào khả năng và thái độ nhận thức của bị can" - luật sư Cường phân tích.

Vụ án cựu Chủ tịch Công ty Sen Tài Thu: Bị hại cần làm gì để đòi lại tiền đầu tư? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Bị hại có cơ hội đòi lại tài sản?

Theo luật sư Cường, trường hợp bị can và những người thân thích của bị can không tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế để thu hồi tài sản phải trả lại cho những người bị hại.

"Những người đã góp tiền vào doanh nghiệp này theo hình thức góp vốn, cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy rằng mình đã bị lừa đảo, do những thông tin gian dối mà chuyển tiền thì có thể liên hệ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát thành phố Hà Nội để được đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại, đồng thời được quyền đưa ra các tài liệu đồ vật chứng cứ yêu cầu để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết" - luật sư Cường nhấn mạnh.

Vẫn theo vị luật sư, trường hợp kết thúc hoạt động tố tụng mà những người bị hại vẫn chưa nhận được tiền thì trong phiên xét xử vụ án hình sự sau này, người bị hại cũng có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt và những thiệt hại khác nếu có. Khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì người bị hại có quyền căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.

Luật sư Cường cho rằng, phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng thường là đánh vào lãi suất cao, chiết khấu lớn để các nhà đầu tư tin tưởng. Ngoài ra các đối tượng còn xây dựng một đội ngũ nhân viên bán hàng, tư vấn viên có khả năng thao túng tâm lý, bất chấp đạo đức để "chốt đơn".

Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án lừa đảo tương tự trong hoạt động tài chính như đầu tư tài chính, huy động vốn, góp vốn thì cần tăng cường các cơ chế giám sát, các nhà đầu tư cần thận trọng khi bỏ vốn đầu tư vào các dự án, các doanh nghiệp để tránh tiền mất tật mang.

Đặc biệt, luật sư Cường cho rằng, cần phải siết chặt quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoặc kinh doanh theo mô hình đa cấp trong hoạt động huy động vốn.


Theo Thanh Hà

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên