Vụ Big C dừng nhập hàng may mặc Việt: “Họ không phàn nàn về chất lượng”
Big C không phàn nàn về chất lượng hàng may mặc của nhà cung cấp Việt Nam, họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới là siêu thị GO! Market với mặt bằng khác, mặt hàng kinh doanh chất lượng cao hơn.
- 04-07-2019Những chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đang nằm trong tay người Thái
- 04-07-2019Đằng sau câu chuyện BigC tạm dừng nhập sản phẩm dệt may của doanh nghiệp Việt là gì?
- 04-07-2019Từ vụ Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt: Hãy nói chuyện bằng luật
Bên lề họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7, trả lời câu hỏi của BizLIVE về việc có hay không quy định tỷ lệ hàng nội địa của các nhà cung cấp Việt Nam trong hệ thống siêu thị ngoại nói chung, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện không có quy định nào quy định về vấn đề này.
Riêng với trường hợp cụ thể là Big C Việt Nam, trước sự việc Big C thông báo dừng nhập hàng may mặc của nhà cung cấp Việt Nam, câu hỏi đặt ra là nhà phân phối này có “đẩy” hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị của mình thay thế bằng hàng Thái Lan hoặc các nước khác, bà Nga cho biết, Big C cam kết giữ nguyên trên 90% hàng Việt, hàng Thái Lan 1,26% trong đó hàng thương hiệu Thái Lan 0,3% và cam kết giữ vững tỷ lệ này.
“Năm 2018 tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị này là 96% bao gồm nhiều mặt hàng, phần lớn kinh doanh hàng nông sản chiếm tới hơn 70%”, bà Nga nói.
Theo thông tin từ cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Big C cam kết mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam, trong 10 ngày tới làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam, 2 tuần hoặc ít hơn 100 nhà cung cấp nữa sẽ tiếp tục được mở đơn hơn. Còn lại 50 nhà cung cấp của Việt Nam sẽ được làm kỹ hơn về việc doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký và Central khẳng định tuân thủ đúng nội dung tinh thần hợp đồng đã ký giữa Central và các nhà cung cấp
Bổ sung thêm về nội dung vừa nêu, bà Nga cho biết, 50 nhà cung cấp được mở là những nhà cung cấp lớn nhất, 100 nhà cung cấp tiếp theo phải xem lại cơ cấu hàng hoá, kiểm tra lại xưởng sản xuất, còn 50 nhà cung cấp còn lại Big C bàn thảo thay đổi cơ cấu vì muốn kinh doanh hàng chất lượng cao hơn.
Bà Nga cũng cho biết, trong đợt này, Big C Việt Nam có thể điều chỉnh chiết khấu.
Trả lời câu hỏi Big C Việt Nam có phàn nàn về chất lượng hàng may mặc của nhà cung cấp Việt Nam hay không, bà Nga nói: “Họ không phàn nàn, họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới là siêu thị GO! Market với mặt bằng khác, mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn. Đây là chiến lược kinh doanh mới của họ và mình tôn trọng quyết định đó và theo dõi có tuân thủ pháp luật Việt Nam như Luật Cạnh tranh, Luật Dân sự, bảo vệ người tiêu dùng”.
Trước đó, trong thông báo ngày 2/7, Tập đoàn Central Group Thái Lan - công ty sở hữu chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam cho biết tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Cụ thể, thông báo nêu rõ: "Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019".
Bizlive