Vụ cá chết ở miền Trung: Loại bỏ nguyên nhân do tràn dầu, động đất, sóng thần
Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã đưa ra phân tích về nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung.
- 26-04-2016Khuất tất việc xả thải ở Formosa
- 25-04-2016Nguyên nhân cá chết bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là do độc tố cực mạnh
- 25-04-2016Vụ cá chết miền Trung: Lựa chọn của bạn bây giờ là cho con cháu bạn
Sau 5 ngày (19-24/4) tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân “ cá chết hàng loạt” tại vùng biển Miền Trung gồm 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) đã loại bỏ các nghi vấn tràn dầu, động đất sóng thần.
VAST cho biết, tổ công tác đã tiến hành khảo sát tại hiện trường tại các điểm từ Vũng Áng – Hà Tĩnh đến Lăng Cô- Thừa Thiên Huế: lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển; 200 mẫu cá chết tại các điểm Vũng Áng, Đèo Ngang, Cửa Nhật Lệ, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Chân Mây và Lăng Cô.
Đồng thời, tổ công tác đã tiến hành thu ảnh khu vực nghiên cứu thông qua vệ tinh VNREDSat-1 và ghi nhận lại các hoạt động địa chấn tại khu vực nghiên cứu và các khu vực liên quan.
Kết quả phân tích ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tích khác cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến 24/4/2016 chưa phát hiện các vụ tràn dầu lớn tại khu vực nghiên cứu nên nguyên nhân cá chết do tràn dầu có thể được loại bỏ.
VAST cũng cho biết, các trạm địa chấn đặt tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế thuộc mạng lưới đài trạm địa chấn Quốc gia do VAST quản lý không ghi nhận được trận động đất nào có độ lớn trên 5 độ Richte, xẩy ra tại khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Do vậy hiện tượng sốc nhiệt do phá hủy bề mặt, bên trong vỏ hoặc những biến đổi địa tầng trong vỏ đại dương có thể được loại trừ. Ảnh hưởng của hai trận động đất tại Nhật bản vào ngày 14 và ngày16 tháng 4 năm 2016 đã được ghi nhận, tuy nhiên hai trận động đất này không gây ra ảnh hưởng đối với khu vực nghiên cứu.
Về ảnh hưởng của dòng chảy ven bờ khu vực biển miền Trung, theo đánh giá của Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, vào thời gian này dòng chảy ven bờ có đặc trưng của thời kỳ gió mùa Đông Bắc, dòng chảy ven bờ có hướng từ Bắc xuống Nam.
Tốc độ dòng chảy ven bờ thường mạnh nhất vào tháng 1, vận tốc khoảng 0,75m/s đến 0,85m/s có khi đạt đến 1m/s. Vận tốc dòng chảy ven bờ giảm dần vào tháng 4 và tháng 5, đến tháng 7 khi có tác động mạnh của gió mùa Tây Nam thì vận tốc dòng ven bờ giảm xuống khoảng 0,25m/s. Các thông số môi trường và các độc tố trong nước, trầm tích tại mặt cắt ngang 25 km từ cửa Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ cũng được tổ công tác lấy mẫu và phân tích.
Để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến nguyên nhân cá chết hàng loạt, VAST cho biết, tổ công tác đang khẩn trương xác định tảo độc và phân tích các độc chất trong nước, trầm tích và các mẫu cá đã thu thập tại hiện trường.
BizLIVE