MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bệnh viện 'ăn chia' với bên ngoài

18-05-2018 - 09:49 AM | Xã hội

Luật sư đã công bố nội dung ghi trong hồ sơ thể hiện có tỷ lệ “ăn chia” giữa bệnh viện và Cty Thiên Sơn: 'Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng...'

Ngày 17/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án sự cố chạy thận khiến 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).

Khai theo tài liệu công an đưa?

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo BV Hòa Bình khai, bản thân không được giao phụ trách, điều hành Đơn nguyên thận như lời của ông Hoàng Đình Khiếu - Trưởng khoa Hồi sức tích cực kiêm Phó GĐ BV Hòa Bình nói tại tòa.  Theo ông Khiếu, bác sĩ Lương được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo trong buổi họp giao ban năm 2015.

Giải thích việc thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, khi bị bắt đã được điều tra viên cho xem bản khai của ông Hoàng Đình Khiếu về phân công nhiệm vụ nên khai theo như vậy. Theo bị cáo này: “CQĐT đã đưa cho bị cáo bản phân công nhiệm vụ của ông Khiếu nên bị cáo nhìn vào đó ghi lời khai…”.

Tương tự, điều dưỡng Nguyễn Thị Điệp - thuộc Đơn nguyên thận nhân tạo nói tại tòa về việc đã khai bị cáo Lương phụ trách đơn nguyên. “Tôi khai theo biên bản họp giao ban được cơ quan điều tra cho xem qua màn hình điện thoại vì cuộc họp đó tôi không dự nên không rõ các nội dung” - bà Điệp nói.

Các bác sĩ Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình, Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng khẳng định không tham gia bàn bạc, phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Hoàng Công Lương.

Tranh cãi thời điểm ký hợp đồng

Tiếp đến, luật sư Trần Vũ Hải xét hỏi các nội dung xoay quanh hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước dùng cho chạy thận tại Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa hồi sức tích cực - BV Hòa Bình.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư BV Hòa Bình đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng trị giá gần 100 triệu đồng với Cty CP Dược phẩm Thiên Sơn (ở Hà Nội) để sửa chữa, tiệt trùng hệ thống RO và xét nghiệm sinh hóa (AAIM).

Cùng ngày, Cty Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn là giám đốc ký hợp đồng trị giá 70 triệu đồng với Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh (ở Bắc Ninh) do bị cáo Bùi Mạnh Quốc là giám đốc để thực hiện đúng các hạng mục đã ký với BV Hòa Bình.

Ngày 28/5/2017, bị cáo Quốc đã sửa chữa hệ thống lọc nước RO nhưng do sơ suất để axit tồn tại trong hệ thống. Bị cáo Sơn không kiểm tra, biết việc chưa xét nghiệm nước nhưng thông báo hệ thống có thể sử dụng. Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương ra lệnh lọc máu, chạy thận khiến 8 người tử vong.

Tại tòa, đại diện Cty Thiên Sơn khẳng định có ký hợp đồng với Cty Trâm Anh vào ngày 25/5/2017. Tuy nhiên, vợ bị cáo Quốc phủ nhận, khẳng định thời điểm đó chồng mình có hợp đồng tại bệnh viện ở Cần Thơ nên vào miền Nam cùng một người khác - người này có thể làm chứng, tối ngày 25/5/2017 mới về.

Bùi Mạnh Quốc cũng khai, hợp đồng được lập sau khi sự cố xảy ra, nói: “Ngày 25/5/2017, bị cáo không có mặt tại Hà Nội vì đi miền Nam. Sáng 25/5, bị cáo đang nghỉ ở Đồng Hới (Quảng Bình) và tối hôm đó về tới Bắc Ninh”.

Tiết kiệm 12 triệu đồng khiến 8 người chết?

Luật sư Trần Vũ Hải xin trình bày nhiều ý kiến nhưng tòa khẳng định đang trong phần xét hỏi. Vị luật sư tiếp tục nói chỉ dừng lại khi chủ tọa yêu cầu lực lượng bảo vệ đưa ông ra ngoài. Sau đó, luật sư Lê Văn Thiệp xin tham gia xét hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc.

Trả lời câu hỏi của ông Thiệp, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết từng đề nghị thay cả 4 màng lọc RO trong hệ thống lọc nước nhưng không được đồng ý; chỉ được thay 2 màng lọc, tẩy rửa 2 màng còn lại. Luật sư Thiệp hỏi, nếu thay cả 4 màng lọc, bị cáo sẽ không phải dùng axit để tẩy rửa, như vậy sẽ không có ai chết?

Bị cáo Quốc nói: “Dạ đúng… nếu thay cả 4 màng lọc, giá sẽ tăng lên khoảng 10 đến 12 triệu đồng”.

Tiếp đó, luật sư Lê Văn Thiệp đặt câu hỏi với đại diện của Cty Thiên Sơn về việc tại sao khi trúng thầu lại ký hợp đồng với Trâm Anh, “ngồi giữa ăn tiền”? Liệu việc này có vi phạm luật đấu thầu?; Cty Thiên Sơn có ý kiến gì nếu chúng tôi kiến nghị điều tra hành vi tham nhũng của ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn? Đại diện Cty Thiên Sơn đáp, vụ việc xảy ra là do những người ở BV đã sử dụng hệ thống khi đang sửa chữa. “Việc này không chỉ người dân bức xúc mà Cty chúng tôi cũng rất bức xúc” - đại diện Cty Thiên Sơn nói.

Bệnh viện “ăn chia” với bên ngoài

Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đỗ Đình Vận - Phó GĐ BV Hòa Bình cho biết, bệnh viện thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010, thực chất là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận. Ông Vận không được ông Trương Quý Dương thông báo chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn. “Tôi chỉ biết Cty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hằng tháng” - ông Vận nói.

Trước việc này, luật sư đã công bố nội dung ghi trong hồ sơ thể hiện có tỷ lệ “ăn chia” giữa bệnh viện và Cty Thiên Sơn: “Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng. Số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật”.

Ông Đỗ Đình Vận khẳng định lại, chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, không biết tỷ lệ phần trăm cụ thể. Vị luật sư tiếp tục công bố thông tin có trong hồ sơ: “Số tiền bên Cty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/ca chạy thận”. Về việc này, ông Vận vẫn cho rằng không được ông Trương Quý Dương phổ biến và cũng chưa được nghe bao giờ.

Ông Hoàng Công Tình, Phó khoa Hồi sức Tích cực (BV Đa khoa Hòa Bình) nói, hệ thống lọc từng sửa chữa nhiều lần nhưng chưa bao giờ BV Đa khoa Hòa Bình có phương án đưa bệnh nhân đi điều trị nơi khác để chờ kết quả xét nghiệm AAIM (từ 10 đến 15 ngày). Thời điểm sự cố xảy ra, có khoảng 130 bệnh nhân chạy thận và những người trong giai đoạn cuối phải chạy thận từ 3 - 4 lần/tuần nếu không sẽ tử vong.


Theo Xuân Ân

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên