Vụ "Chuyến bay giải cứu": Giám đốc Công ty Blue Sky nói chứng kiến nhiều nụ cười và nước mắt đoàn tụ
Tại phiên toà "Chuyến bay giải cứu", Lê Hồng Sơn Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, cho rằng thời điểm COVID-19 có tới mấy chục doanh nghiệp cùng đưa công dân về nước dẫn đến "loạn giá", không có mức giá chung
- 19-07-2023Cựu đại sứ nói không lợi dụng các “Chuyến bay giải cứu” gần 1.900 người mãn hạn tù để chia chác
- 18-07-2023CLIP: Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng khóc nghẹn tại phiên tòa "Chuyến bay giải cứu"
- 18-07-2023Vụ chuyến bay giải cứu: Chị gái một bị cáo bị đề nghị điều tra sau khi nộp bằng chứng cho tòa
Chiều 19-7, được tự bào chữa tại phiên toà "Chuyến bay giải cứu" bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, cho biết bản thân bị cáo cảm "thấy rất sốc" khi nghe mức án đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội từ 11-12 năm tù với tội Đưa hối lộ "Đây là mức án gần như kịch khung" - bị cáo Sơn nới.
Bị cáo Lê Hồng Sơn được dẫn giải tới phiên toà
Theo bị cáo, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn, vỡ nợ, Công ty Blue Sky không nằm ngoài vòng xoáy này. Trước dịch, doanh nghiệp của bị cáo là đơn vị có doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng/năm với hơn 100 nhân viên. Năm 2020, Công ty Blue Sky được Vietnam Airlines lựa chọn thực hiện 10 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ Mỹ về nước.
"Bị cáo đã được chứng kiến nhiều nụ cười và giọt nước mắt của hạnh phúc, đoàn tụ. Bị cáo cũng có con ở bên Úc, thời điểm đó con bảo ba làm nhiều chuyến bay giải cứu thế mà để con chết ở bên này à, khiến bị cáo rất đau xót" - bị cáo Sơn nói
Theo bị cáo, thời gian thực hiện các chuyến bay giải cứu, bị cáo và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, thống nhất về việc bị cáo Hằng lo việc xin cấp phép. Còn bị cáo tham gia xây dựng, phát hành chuyến bay và khảo sát lưu trú cho công dân khi về nước.
Bị cáo Sơn nhận định tại Việt Nam, nếu có từ 2-3 doanh nghiệp cùng thực hiện một việc thì khó có thể thoả hiệp về giá. Thời điểm COVID-19 có tới mấy chục doanh nghiệp cùng đưa công dân về nước dẫn đến "loạn giá", không có mức giá chung.
"Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho và nạn nhân của văn hóa phong bì" - bị cáo Sơn tự bào chữa và cho biết mọi doanh nghiệp đều quan tâm đến doanh thu, nhưng ở thời điểm cơ quan chức năng cấp phép các "chuyến bay giải cứu" thì điều đó không hoàn toàn đúng.
Theo bị cáo Sơn, 2 người sáng lập công ty đều phải đối diện hình phạt của pháp luật, công ty mất uy tín khiến gần 100 con người đối diện nguy cơ mất việc. Vì vậy, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để có thể sớm trở về.
Bào chữa cho bị cáo Sơn, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) trình bày ở giai đoạn Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ được cấp phép, có nhiều lời khai của nhiều cá nhân khác nhau tại nhiều doanh nghiệp khác nhau đưa ra một bức tranh chung toàn cảnh. Đó là một số cán bộ Nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới tạo điều kiện cấp phép, nếu doanh nghiệp không đưa tiền, chắc chắn sẽ bị thiệt hại rất lớn. Do đó, đây là lý do doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác, hoặc là đưa tiền, hoặc dừng tổ chức chuyến bay.
Lý giải về việc hai bị cáo Hằng và Sơn có hành vi đưa hối lộ, luật sư cho rằng hành vi phạm tội của họ xuất phát từ những khó khăn không phải do họ tự gây ra, mà ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của cơ chế "xin - cho" trong vụ án này.
Về mức án với thân chủ, luật sư Thanh cho rằng bị cáo Sơn bị đề xuất mức cao nhất trong nhóm bị cáo "Đưa hối lộ". Nếu việc đề xuất này chỉ dựa vào việc Lê Hồng Sơn cùng Nguyễn Thị Thanh Hằng đưa hối lộ nhiều nhất thì đề xuất đó là không toàn diện.
Theo luật sư, bị cáo Sơn đưa tiền nhiều nhất nhưng cũng đón được nhiều công dân trở về nước nhất, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất và được xác định là tự thú. Do đó cần phải đề xuất "Sơn ở mức thấp chứ không phải cao như vậy".
nld.com.vn