Vụ cô giáo bị ném dép vào mặt: Bộ GD-ĐT nói gì về trách nhiệm của học sinh, giáo viên?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu xác minh, làm rõ vụ cô giáo bị học sinh ném dép vào mặt
Ngày 6-12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đã đặt câu hỏi về chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sau khi xảy ra vụ việc cô giáo bị học sinh nhốt trong lớp, ném đồ vào người, tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Về vụ việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu phải tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ. Theo Thứ trưởng, qua thông tin báo chí, đây là vụ việc có mức độ nghiêm trọng và đây là việc "không thể chấp nhận được".
Từ tính chất nghiêm trọng đó, ông Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang làm rõ nguyên nhân vụ việc, đặc biệt là trách nhiệm của các bên liên quan. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sự việc cần được làm rõ, nhìn nhận cách thấu đáo, đầy đủ để có biện pháp xử lý phù hợp.
Về vấn đề trách nhiệm, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng có trách nhiệm của nhiều bên, từ giáo viên, nhà trường, học sinh, phụ huynh. Qua đó, cần có biện pháp trước mắt để xử lý nghiêm và chấn chỉnh.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng bạo lực học đường là vấn đề chung, cần quan tâm. Từ thực tế đã xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, cần có các biện pháp xử lý phù hợp. "Về xử lý kỷ luật, là giải pháp trước mắt, còn căn cơ, lâu dài vẫn là biện pháp giáo dục và công tác quản lý"- ông Hoàng Minh Sơn nói.
Trước hết, phải xem xét đội ngũ giáo viên. "Dù ngành luôn quan tâm bảo vệ đội ngũ nhà giáo nhưng đầu tiên phải nhìn lại đội ngũ giáo viên"- ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng cần xem xét từ quy trình từ đào tạo, bồi dưỡng nhưng quá trình sử dụng cần có đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng trong việc xử lý của các cô giáo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh cần đánh giá việc dạy và học, nhất là giáo dục đạo đức ở từng trường, lớp học. Việc học sinh chấp hành như thế nào, theo dõi thường xuyên đối với học sinh cũng cần xem xét.
Theo ông Sơn, để xảy ra một vụ việc như trên dẫn tới rất nhiều hậu quả. Vì vậy, phải tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa trong quan hệ giữa thầy trò, tư tưởng, đạo đức, diễn biến tâm lý trong lớp, trong trường như thế nào, quản lý nhà trường, lớp học nhằm ngăn chặn từ sớm, không để xảy ra.
Đối với phụ huynh, ông Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận, giáo dục không chỉ trong nhà trường mà có mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh, gia đình. Vì vậy, trong từng trường hợp cụ thể thì sự phối hợp với gia đình rất quan trọng.
Cùng với đó, bạo lực xảy ra trong trường nhưng là vấn đề xã hội và giáo dục học sinh không chỉ trong gia đình, nhà trường mà là toàn xã hội. Khi văn hóa giao thông, xã hội sẽ tác động tốt đến học sinh.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, mới đây, trong video dài gần 2 phút được chia sẻ trên mạng xã hội, cô giáo bị nhốt trong lớp tại trường THCS Văn Phú, xã Văn Phú, huyện Sơn Dương.
Video ghi lại cảnh nhiều học sinh dồn giáo viên này vào góc, liên tục chửi bới, ném đồ vào người cô và reo hò. Đôi lúc, những em này cầm gậy và quạt, chỉ vào mặt, tìm cách giật điện thoại cô giáo cầm trên tay. Cô giáo không phản kháng.
Người lao động