MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vũ Hán đìu hiu sau cơn bạo bệnh Covid-19: "Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể vẫn đang rình rập"

05-06-2021 - 13:38 PM | Tài chính quốc tế

Vũ Hán đìu hiu sau cơn bạo bệnh Covid-19: "Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể vẫn đang rình rập"

Ngành du lịch của ổ dịch đầu tiên trên thế giới cũng đang thoi thóp vì đại dịch nhưng hai lĩnh vực khác lại ghi điểm tích cực.

"Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể đang rình rập"

Hiện nay, trong khi nhiều quốc gia vẫn đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 thì Trung Quốc đã có một sự phục hồi mạnh mẽ kể từ khi thế giới lần đầu tiên làm quen với khái niệm "phong tỏa". Nhưng Vũ Hán, từng là một viên ngọc công nghiệp phát triển mạnh, vẫn chỉ mới đi được nửa chặng đường để phục hồi hoàn toàn nền kinh tế do doanh thu bán lẻ và doanh thu du lịch vẫn bị mắc kẹt dưới mức trung bình của cả nước.

Các cửa hàng quy mô vừa và nhỏ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

Tờ Nikkei (Nhật Bản) cho biết, vào một ngày Chủ nhật gần đây, chỉ có một số ít người đi dạo trong trung tâm mua sắm Guanggu, Vũ Hán. Tấm biển "Giảm giá trước khi đóng cửa" treo trước một cửa hàng quần áo nam, trong khi gần đó, Urban Revivo, chuỗi cửa hàng thời trang nhanh (thời trang bắt kịp xu hướng, giá cả phải chăng) của Trung Quốc, đã đóng cửa từ tháng Ba.

"Nhiều cửa hàng đã lần lượt rút khỏi trung tâm thương mại kể từ tháng 7 năm ngoái do Covid-19. Chỉ còn khoảng 10 cửa hàng trụ lại", một nhân viên làm việc tại Guanggu cho biết.

Trung tâm mua sắm Luxiang Plaza chịu số phận tồi tệ hơn, với việc đóng cửa vĩnh viễn từ ngày 1/4.

 Vũ Hán đìu hiu sau cơn bạo bệnh Covid-19: Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể vẫn đang rình rập - Ảnh 1.

Trung tâm mua sắm Guangu vắng vẻ. Ảnh: Nikkei

Anh Wang, người thợ làm bánh 40 tuổi cho biết anh đã đóng cửa hàng bánh của mình vào tháng 7 năm ngoái, thua lỗ 500.000 nhân dân tệ (76.430 USD), do việc kinh doanh không thể trở lại bình thường ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. “Giờ tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm tài xế taxi” , anh nói, sự thất vọng hiện rõ trên đôi vai ủ rũ.

Theo Nikkei, doanh số bán lẻ ở Vũ Hán đã giảm 3,6% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019, một năm trước khi đại dịch bùng phát tại thành phố.

Ngược lại, doanh thu bán lẻ trên toàn quốc tăng 6,4% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ hai năm trước. Doanh số bán lẻ ở Tô Châu, Thành Đô và Nam Kinh, ba thành phố khác của Trung Quốc có nền kinh tế tương đương với Vũ Hán, tăng lần lượt 13,1%, 8,0% và 15,7% so với cùng kỳ.

Về GDP năm 2020, Tô Châu, Thành Đô, Vũ Hán và Nam Kinh lần lượt được xếp thứ 6, 7, 9 và 10 trong cả nước.

Quản lý một cửa hàng trên đường Hanjie, một con phố mua sắm sầm uất ở trung tâm thành phố, cho biết: "Lưu lượng khách đã trở lại bình thường tại các cửa hàng bình dân. Trong khi đó, những cửa hàng không được ưa chuộng ngay từ đầu ngày càng vắng vẻ. Các cửa hàng nhỏ, tài chính khiêm tốn cũng gặp khó khăn nghiêm trọng".

Ngành du lịch cũng vẫn đang "thoi thóp". Doanh thu du lịch ở Vũ Hán trong Lễ hội mùa xuân năm nay giảm 49%, so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn mức giảm trung bình toàn quốc là 41%. Sự sụt giảm của Vũ Hán cũng vượt trội so với 21% ở Tô Châu, 38% ở Thành Đô và 24% ở Nam Kinh.

Nữ giám đốc điều hành, 29 tuổi, tại một khách sạn ở Vũ Hán cho biết, Vũ Hán nổi tiếng là thành phố lý tưởng để ngắm hoa anh đào. Kể từ tháng 3, lượng đặt phòng đã bắt đầu hồi phục nhưng không rõ đến khi nào tình trạng bình thường như trước đây mới trở lại.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ đã đạt được những thành tựu nhờ lệnh phong tỏa và tuyên bố rằng Vũ Hán hiện là một thành phố an toàn. Các số liệu chính thức của chính phủ nước này cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán là khoảng 50.000 trường hợp.

Nhưng một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán ước tính, con số thực tế có thể cao hơn. Báo Nhật Bản cho rằng, sự không chắc chắn này đang cản trở sự phục hồi của ngành bán lẻ và du lịch ở Vũ Hán.

"Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể đang rình rập", một người dân, 35 tuổi, ở thành phố Đại Liên, nói.

Hiện nay, chợ đầu mối hải sản Hoa Nam, nơi được cho là nơi phát tán virus vẫn đang trong tình trạng phong tỏa với các bức tường sắt vây quanh bốn bên, không thể thâm nhập vào bên trong.

Sản xuất ô tô và bất động sản bùng nổ

Trong bối cảnh, ngành bán lẻ và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng virus thì thành phố sẽ phải phụ thuộc vào các lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp và bất động sản để phục hồi kinh tế.

Cả hai lĩnh vực này đều tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân chung của cả nước trong hai tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm 2019.

 Vũ Hán đìu hiu sau cơn bạo bệnh Covid-19: Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể vẫn đang rình rập - Ảnh 2.

Bức tường sắt màu xanh bao vây bốn mặt chợ hải sản Hoa Nam. Ảnh: Nikkei

Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp lớn nhất của Vũ Hán. Dongfeng Honda Automobile, liên doanh của Honda tại Trung Quốc, báo cáo doanh số bán hàng đã tăng 40,6% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019, sau khi hãng này đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Liên doanh của Nissan Motor cũng có trụ sở chính tại Vũ Hán.

Takehiko Saeki, người đứng đầu văn phòng Vũ Hán của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết: "Sản xuất và bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, bao gồm cả linh kiện, đang phục hồi mạnh mẽ. Đối với các công ty Trung Quốc, sản xuất chất bán dẫn và pano cũng đang tăng trưởng".

Doanh số bán bất động sản của Vũ Hán cũng đang trên đà hồi phục, đặc biệt là khi Thượng Hải và Bắc Kinh, những thành phố đắt đỏ, khó đầu tư. Một nhà môi giới bất động sản cho biết doanh số bán căn hộ chung cư đã tăng vọt do nhu cầu bị dồn nén cả từ người dân địa phương và nhà đầu tư. "Giới nhà giàu đã tiếp tục mua hàng sau khi có thái độ 'chờ và xem' do ảnh hưởng của đợt dịch mới", cô nói.

Các công ty lớn của Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Jingdong, cũng đã công bố kế hoạch đầu tư vào Vũ Hán, để đáp lại sự khuyến khích từ chính phủ.

Chuyên gia và người dân kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp

Giáo sư Huang Manyu, thuộc Khoa Kinh tế Thương mại, Đại học Luật Kinh Tế Chung Nam cho hay, chính phủ đã cung cấp cho Vũ Hán một gói các chính sách thuận lợi để giúp thành phố phục hồi, bao gồm hỗ trợ tài chính, giảm thuế và giới thiệu các dự án. Bản thân thành phố cũng chứng minh khả năng vượt qua dịch bệnh, nhờ vào lợi thế về công nghiệp, sức mạnh địa phương... Tất cả những yếu tố này đã góp phần vào sự phục hồi nhanh chóng của Vũ Hán.

Ông này nói thêm, Vũ Hán có tiềm năng tiêu thụ lớn. Năm ngoái, Vũ Hán gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng vẫn đưa thành phố này lọt top 10 ở Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc dịch bệnh chỉ có tác động ngắn hạn đến thành phố và nó sẽ không ngăn Vũ Hán trở thành trung tâm tiêu dùng quốc tế trong tương lai.

Hu Chao, một người dân địa phương kỳ vọng: "Khủng hoảng cũng mang lại cơ hội. Giới địa phương cho biết Vũ Hán sẽ tìm kiếm sự phát triển chất lượng cao và phát triển sáng tạo trong tương lai và dẫn đầu các thành phố ở miền trung Trung Quốc".

Theo An An

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên