Vụ hóa đơn tiền nước 57 triệu đồng ở TPHCM: Gia đình nói gì về vụ kiện?
Sau 6 tháng kể từ ngày nhận hóa đơn tiền nước cao bất thường, gia đình anh Nguyễn Quốc Huy (ngụ quận 3, TPHCM) và công ty cấp nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết vụ việc. Vừa qua, gia đình anh Huy đã có đơn khởi kiện gửi TAND quận 3 yêu cầu giám định hệ thống cấp nước để tính đúng, tính hợp lý số lượng nước mà gia đình đã sử dụng.
- 30-07-2024Thợ điện nhắc nhở: Ở nhà vẫn cắm 4 thiết bị này, tiết kiệm đến mấy hóa đơn tiền điện cũng tăng vù vù
- 19-07-2024Hóa đơn điện tăng vọt sau khi lắp pin mặt trời: 5 nguyên nhân mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải
- 14-07-2024Bỏ những thứ này vào tủ lạnh, bạn sẽ nhận được lợi ích bất ngờ: Tối ưu hóa đơn tiền điện!
Vướng mắc kéo dài
Chia sẻ câu chuyện với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, nhà ở hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3, TPHCM ) cho biết vào kỳ ghi nước tháng 1/2024 (trước Tết), gia đình ông đi vắng nhà nên nhân viên công ty CP Cấp nước Gia Định không ghi được chỉ số nước nên để tạm tính 20 m3. Sang kỳ ghi nước tháng 2 thì chỉ số nước mà phía công ty cấp nước ghi nhận là 3.355 m3, tức tính ra mức tiêu thụ là 3.026 m3.
Với lượng nước “khủng” này, gia đình ông Huy nhận được hóa đơn nước với số tiền phải thanh toán hơn 57 triệu đồng .
“Tôi quá bất ngờ, không hiểu lượng nước hơn 3.000m3 đã thất thoát đi đâu? Gia đình chúng tôi có phản ánh vụ việc đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM. Tuy nhiên phía hội lần lượt gửi 3 lá thư đến công ty cấp nước, mời làm việc, nhưng không nhận được phản hồi. Hiện tại hội đã từ chối theo vụ khiếu nại này với lý do: “Hội chỉ giải quyết khi doanh nghiệp hợp tác”- ông Huy thông tin.
Cũng theo ông Huy, phía cấp nước cho rằng 3.355m3 nước trên thất thoát trong 2 tháng, tức một ngày gia đình ông phải sử dụng 50m3 hay trung bình 2m3/h.
“Tôi dùng thiết bị đo lượng nước đầu vào ở tầng trệt chưa bao giờ quá 1,2m3/h và ở nóc tầng thượng tối đa là 0,8m3/h. Nếu lượng nước tràn ra ngoài 2m3/h, chảy liên tục suốt 2 tháng mà gia đình tôi và hàng xóm xung quanh không ai phát hiện là điều kỳ lạ. Ngoài ra, tôi đã cung cấp số liệu về lượng nước đầu ở trên và yêu cầu phía công ty mời chuyên gia đến kiểm tra để minh chứng cho sự tính toán của mình, tuy nhiên phía công ty đã phớt lờ”- ông Huy nói.
Hiện nay, phía công ty CP Cấp nước Gia Định đề nghị ông Huy thống nhất việc kiểm định đồng hồ nước để làm cơ sở giải quyết. Tuy nhiên, ông Huy không đồng ý kiểm định mà chỉ chấp nhận giám định.
“Tôi có đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để tìm hiểu. Ở đó, cán bộ cho tôi biết họ chỉ kiểm định chứ không có giám định, giám định phải thông qua quyết định của tòa án. Việc kiểm định thì không trả lời được các câu hỏi của tôi như liệu không khí có qua đồng hồ làm quay kim đồng hồ không hay đồng hồ có bị kẹt cát không?”- ông Huy nói.
Giám định hay kiểm định?
Sự việc chưa được giải quyết xong thì vào ngày 10/7, công ty CP cấp nước Gia Định đã có thông báo về việc ngừng dịch vụ cấp nước với hộ gia đình ông Huy. Theo nội dung thông báo, phía công ty cấp nước yêu cầu gia đình ông Huy phải thanh toán số tiền phí sử dụng nước hơn 57 triệu đồng. Hạn chót việc thanh toán đến ngày 10/8. Nếu quá thời hạn nêu trên, gia đình ông Huy chưa liên hệ giải quyết, đơn vị cấp nước sẽ ngừng dịch vụ cấp nước.
Bế tắc trong việc giải quyết vụ việc, ngày 5/8, gia đình ông Huy đã có đơn khởi kiện đến TAND quận 3 (TPHCM) với yêu cầu giám định hệ thống nước để tính đúng, tính hợp lý lưu lượng nước mà hộ gia đình đã sử dụng. Đến nay, gia đình ông Huy vẫn được sử dụng nước bình thường và chưa bị ngưng cấp nước.
“Hệ thống nước của gia đình chúng tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng và chưa sửa chữa. Chỉ số nước hiện tại chỉ dao động ở mức tiêu thụ của gia đình. Lượng nước mà phía công ty cấp nước ghi nhận khác xa với thật tế tiêu dùng nước sinh hoạt hàng tháng với gia đình chúng tôi. Thời gian ghi nhận tháng 1 chỉ là tạm tính nên không rõ đồng hồ nhảy số hơn 3000 m3 vào tháng nào: tháng 1, tháng 2 hay cả 2 tháng. Ngoài ra, ghi nhận của phiếu kiểm tra ban đầu của phía công ty cấp nước cũng chưa chính xác. Do đó, gia đình tôi có đơn khởi kiện nhờ tòa án giải quyết tranh chấp”- ông Huy nói.
Liên quan đến việc kiểm định và giám định đồng hồ nước, một cán bộ công tác tại trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở TPHCM cho biết, việc kiểm định liên quan đến đo lường, còn giám định liên quan đến kỹ thuật, an toàn, chất lượng. Trong tình huống này, việc kiểm định hay giám định đều khó khả thi.
“Đồng hồ có sai số bất thường, ngoài yếu tố liên quan đến đồng hồ, sai số còn liên quan đến toàn hệ thống nước, nếu có không khí thổi qua khiến kim đồng hồ quay bất thường, việc kiểm định riêng đồng hồ sẽ không thể nào đánh giá. Còn ở trường hợp này, đồng hồ chỉ nhảy số bất thường trong vòng tháng 1 và tháng 2, các tháng sau thì bình thường, như thế vấn đề không thể ở đồng hồ. Bởi lẽ nếu đồng hồ bị hư hỏng, có vấn đề sẽ sai số liên tục. Còn trường hợp nếu có không khí hay cát qua đồng hồ thì cũng không có cách nào xác định được vì giai đoạn khí thổi qua đồng hồ nước đã qua rất lâu”- vị cán bộ nhận định.
Tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội diễn ra vừa qua, đại diện công ty CP cấp nước Gia Định cho biết khó khăn trong việc giải quyết vụ việc là khách hàng không đồng ý kiểm định, mà đề nghị được giám định đồng hồ nước. Hiện phía công ty này tiếp tục đề nghị khách hàng thống nhất việc kiểm định đồng hồ nước để làm cơ sở giải quyết.
Tiền phong