Vụ khởi tố loạt lãnh đạo Bình Thuận: Đường về Tân Việt Phát của 9,26 ha đất Phan Thiết
Vị trí dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (Queen Pearl 2)
Cụ thể là 3 lô đất số 18, 19 và 20 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết mà Tân Việt Phát được UBND tỉnh Bình Thuận giao không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngày 10/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Hai (SN 1962) – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh trên, cơ quan hữu trách cũng khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can khác gồm: Lương Văn Hải (SN 1960) – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm (SN 1960) – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh (SN 1980) – nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn (SN 1977) – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Theo Bộ Công an, vụ án này xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Dự án này có tổng diện tích 92.600,9 m2, trong đó lô số 18 có diện tích 23.298,6 m2, lô số 19 là 33.609,3 m2 và lô số 20 là 35.693 m2. Chủ đầu tư dự án là CTCP Tân Việt Phát (Tân Việt Phát).
Đường về tay Tân Việt Phát của 9,26 ha đất Phan Thiết
Thanh Niên dẫn hồ sơ cho biết, 3 lô đất nêu trên được phê duyệt chủ trương đấu giá từ tháng 1/2008. Đến tháng 10/2013, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt giá khởi điểm cho cả 3 lô đất là 111,1 tỉ đồng, tương đương 1,2 triệu đồng/m2.
Sau 6 lần tổ chức đấu giá (từ tháng 10/2013 – 11/2015), khu đất rộng 9,26 ha vẫn không tìm được chủ. Tới tháng 7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã ký quyết định điều chỉnh giá đất ở khu vực này lên 1,6 triệu đồng/m2.
Đến tháng 1/2017, Tân Việt Phát có văn bản gửi Sở TN&MT và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị tỉnh giao 3 lô đất trên nhưng không thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Sau khi nhận được đề nghị của Tân Việt Phát, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị giao đất cho công ty này, nhưng chỉ tính với giá khởi điểm theo quyết định từ năm 2013 là 111,1 tỉ đồng.
Đến tháng 2/2017, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gửi Sở TN&MT, Trung tâm phát triển quỹ đất đồng ý chủ trương giao 3 lô đất cho Tân Việt Phát với giá khởi điểm như trên. Việc giao đất cho Tân Việt Phát không qua đấu giá với giá khởi điểm 1,2 triệu đồng/m2 cũng nhận được sự thống nhất của Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Tới tháng 3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định về việc thu hồi và giao đất, cho thuê đất đối với 3 lô đất 18, 19 và 20 cho Tân Việt Phát. Trong đó, lô đất số 18 (diện tích 23.298,6 m2) là đất thương mại dịch vụ, thời hạn thuê 50 năm, trả tiền một lần; còn lô đất số 19 và 20 (diện tích 69.302,3 m2) là đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, sử dụng lâu dài, giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy một thông tin đáng chú ý, đó là ngay sau khi nhận được Quyết định số 610/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cấp ngày 07/03/2017 về việc thu hồi đất và giao đất, cho thuê đất đối với 03 lô đất số 18, 19 và 20 thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B cho mình, Công ty CP Tân Việt Phát Tân Việt Phát đã ngay lập tức thế chấp toàn bộ lợi ích từ việc đầu tư dự án trên 3 lô đất này vào một nhà băng trong nước để vay vốn. Cụ thể, PVcomBank - CN Gia Định thời điểm đó đã định giá tài sản bảo đảm này ở 250 tỉ đồng. Được biết, chi nhánh ngân hàng này đã có mối gắn bó lâu năm với Tân Việt Phát, với nhiều khoản cấp tín dụng lớn từ trước đó.
Tân Việt Phát của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tân Việt Phát được thành lập vào trung tuần tháng 1/2009, do ông Nguyễn Ngọc Phương (SN 1974) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Đến tháng 3/2018, công ty này tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 68 tỉ đồng lên 300 tỉ đồng, trong đó ông Phương sở hữu 80% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Ngọc Phương còn đang đứng tên tại một loạt pháp nhân khác như: Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Vi Nam, Công ty TNHH An Thủy Mộc, CTCP Dịch vụ - Thương mại - Du lịch Hòa An, CTCP Dịch vụ - Thương mại - Đầu tư Ro Ma Na, CTCP Địa ốc AA Phan Thiết, CTCP Tân Địa Cầu, CTCP Đầu tư Larich Holdings.
Bên cạnh đó, ông Phương cũng sở hữu lượng lớn cổ phần tại một số doanh nghiệp như: 98% vốn của CTCP Bất động sản HHP (vốn điều lệ 500 tỉ đồng), 26% vốn của CTCP Đầu tư Sanho (vốn điều lệ 25 tỉ đồng).
Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (trên 3 lô đất liên quan đến dự án vừa bị C03 khởi tố) được xem như là hợp phần mở rộng của Khu trung tâm Thương Mại Dịch Vụ và Khu dân cư Tân Việt Phát – Queen Pearl mà Tân Việt Phát đã triển khai từ trước đó trên diện tích hơn 27,2 ha tại khu phố 5, phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Dự án này cũng được tài trợ vốn bởi PVcomBank./.
Viettimes