Vụ kiện gà Mỹ và ‘vũ khí’ bảo vệ hàng Việt
Rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị kiện.
- 02-07-2016Hàng Việt đừng sợ, bán lẻ không chỉ có siêu thị
- 29-06-2016Hàng Thái xô hàng Việt rớt khỏi kệ siêu thị
- 25-06-2016Mặt hàng nào của Việt Nam bị ảnh hưởng sau khi Anh rời EU?
Xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng tăng khi thuế suất nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng về mức 0%. Hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại giá rẻ ngay trên sân nhà.
Do vậy, PVTM với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trước hàng nhập khẩu được xem là biện pháp cuối cùng để bảo vệ hàng nội địa. Tuy nhiên, DN Việt lại ít sử dụng, thậm chí có DN gần như không biết đến trong khi DN nước ngoài lại tận dụng rất tốt.
Không dám kiện vì sợ thua
Hồ sơ khởi kiện chống bán phá giá gà nhập từ Mỹ đã được gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, đến nay vụ kiện vẫn chưa có tiến triển.
Giải thích về sự chậm trễ này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc kể, năm 2015, gà Mỹ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ bất thường, chưa đến 20.000 đồng/kg khiến giá gà nuôi trong nước rớt thảm hại, người nuôi lỗ nặng, đóng cửa trang trại. Trước thực trạng trên, các DN, chủ trang trại đều bức xúc và đồng lòng khởi kiện chống bán phá giá gà Mỹ.
“Rất tiếc là đến đầu năm 2016 khi bổ sung hồ sơ cho vụ kiện thì các DN lại tỏ ra không tích cực, ngại làm các hồ sơ, thủ tục liên quan và có tâm lý trông chờ cơ quan quản lý. Hiện hiệp hội đang làm việc với các DN để tiếp tục theo đuổi vụ kiện” - ông Ngọc cho biết.
Mới đây, thông tin với báo chí về vụ kiện trên, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, chỉ ra rằng trong việc sử dụng công cụ PVTM, DN Việt còn có tâm lý sợ sệt. “Ví dụ với vụ kiện gà Mỹ, Cục rất ủng hộ vì có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị kiện tơi bời. Đơn cử như tôm, cá tra… mấy năm nay đều bị áp thuế chống bán phá giá. Có điều lúc đầu DN chăn nuôi trong nước hừng hực khí thế nhưng khi bàn chuyện cùng bắt tay nhau kiện thì lại đùn đẩy cho nhau, có tâm lý kiện cũng không thắng, trong khi đây là vụ có khả năng thắng nếu DN quyết tâm khởi kiện” - ông Nam chia sẻ.
Ngành cao su, nhựa cũng là ngành phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các nước trong khu vực. Đưa ra ví dụ về các sản phẩm săm lốp Trung Quốc nhập vào Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho hay sản phẩm này bán với giá rất rẻ nhưng Việt Nam không có biện pháp PVTM nào.
“Đa phần DN trong ngành đều là những đơn vị vừa và nhỏ, họ thường chỉ lo sản xuất, kinh doanh và hiểu biết về thị trường cũng không nhiều. Hơn nữa họ thiếu thông tin nên không quan tâm đến việc ảnh hưởng của hàng nhập khẩu giá rẻ bất thường” - ông Anh lý giải.
Nhiều DN cũng thừa nhận tâm lý lo lắng về chi phí thuê mướn luật sư cao và không muốn dính dáng đến kiện cáo vì lo mất thời gian.
Phải đồng lòng mới thành công
Quyết định chính thức áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc của Bộ Công Thương mới đây đánh dấu sự bắt đầu chủ động của các DN Việt trong việc áp dụng các công cụ phòng vệ. Bởi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp trên xuất phát từ yêu cầu của các công ty thép như Thép Hòa Phát, Thép Miền Nam, Gang thép Thái Nguyên, Thép Việt Ý.
Đại diện Công ty Thép Hòa Phát kể: ban đầu rất khó khăn để các công ty thép lớn trong nước ngồi lại với nhau để thực hiện vụ kiện thép ngoại. Quá trình chuẩn bị hồ sơ cũng gian nan. Bởi các DN đứng đơn phải bảo vệ được lợi ích chung cho toàn ngành và có bằng chứng chứng minh ảnh hưởng của ngành từ sản phẩm thép nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc.
“Để làm được điều này, các DN phải hiểu rõ về vũ khí phòng vệ mà trong nước đang có, nắm thông tin đầy đủ về thị trường và quan trọng là các DN trong ngành phải đồng lòng” - đại diện Công ty Thép Hòa Phát đúc kết.
Nói thêm về điều này, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra Cục Quản lý cạnh tranh, nhìn nhận gần đây DN một số ngành hàng đã bắt đầu ý thức về tầm quan trọng của công cụ PVTM, nhất là ngành thép. Tuy vậy, Việt Nam vẫn sử dụng rất ít các biện pháp PVTM.
Để khắc phục tình trạng trên, theo bà Giang, trước tiên các DN Việt nên khởi đầu bằng việc sử dụng biện pháp tự vệ. Sau đó chuyển sang chống bán phá giá, còn biện pháp chống trợ cấp thì khó hơn, bởi cần có nhiều kinh nghiệm và kiến thức pháp luật của các nước có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Một số chuyên gia cũng đề xuất các hiệp hội, cơ quan quản lý hỗ trợ DN để họ có sự chủ động trước những vụ kiện PVTM.
Lơ mơ về phòng vệ thương mại
Một khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về PVTM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây cho thấy hơn 15% DN không biết, 63% DN có nghe nói nhưng không biết sâu; gần 20% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có gần 2% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ.
Khảo sát trên cũng chỉ ra DN vừa thiếu thông tin, khả năng huy động được nguồn lực để đi kiện còn hạn chế, không có khả năng tập hợp bằng chứng.
Trong giai đoạn 1995-2015, các quốc gia thành viên WTO đã tiến hành một số lượng khổng lồ các vụ việc điều tra và sử dụng công cụ PVTM với hơn 300 vụ áp dụng biện pháp tự vệ, gần 5.000 vụ điều tra chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp.
Trong khi đó, hơn 10 năm qua Việt Nam chỉ mới tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với một số sản phẩm như phôi thép, thép dài; bột ngọt; dầu thực vật...
Pháp luật TPHCM