Vụ 'Logo xe vua': Những người đưa hối lộ CSGT sẽ bị xử nặng
Các bị cáo trong đường dây đưa và môi giới hối lộ logo xe “vua” sẽ bị đưa ra xét xử với khung hình phạt nặng hơn VKS truy tố...
- 06-08-2018Xử vụ mua bán 'logo xe vua': Không ai bị truy tố tội nhận hối lộ
- 11-06-2017Đường dây bán “logo xe vua” hối lộ 80 CSGT
Ngày mai (14-8), dự kiến TAND TP.HCM sẽ mở phiên xử sơ thẩm vụ đưa và môi giới hối lộ logo xe “vua”. Trước đó, tháng 4-2018, tòa từng đem vụ án ra xét xử sau đó quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết chưa được làm rõ.
Vụ án có 9/10 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ liên quan đến hai đường dây của các bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976), Trần Quốc Thái (SN 1971), Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982). Riêng bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) bị truy tố, xét xử về tội môi giới hối lộ. Bị cáo Chân cũng là CSGT duy nhất trong 80 cán bộ CSGT, TTGT có liên quan vụ án bị truy tố đưa ra xét xử.
Bị cáo Thới tại phiên xử tháng 4.
Đáng chú ý, VKS truy tố các bị cáo theo khoản 2 Điều 364 BLHS với khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù. Tuy nhiên, theo quyết định đưa ra xét xử, HĐXX có sự thay đổi khung hình phạt nặng hơn đối với các bị cáo. Cụ thể, Thới và Thái sẽ bị xét xử theo khoản 4 Điều 364 BLHS với khung hình phạt 12-20 năm tù. Bị cáo Vân bị sẽ xét xử theo khoản 3 với khung hình phạt 7-12 năm tù.
Còn bị cáo Chân cũng bị tòa chuyển khung phạt từ khoản 2 Điều 365 tội môi giới hối lộ sang khoản 4 Điều 365 với khung hình phạt 8-15 năm tù.
Bị cáo Chân, CSGT duy nhất bị truy tố trong vụ án này.
10 bị cáo sẽ có năm luật sư bào chữa và toà cũng triệu tập năm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên xử.
Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, vụ án này kéo dài chưa có hồi kết do nhiều lần các cơ quan tố tụng nhận định cần trả hồ sơ cho CQĐT điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến vấn đề người nhận hối lộ. Tuy nhiên, CQĐT cho là không thể làm rõ được để truy tố những người nhận hối lộ nên chuyển lại VKS…
Theo kết quả điều tra mới của CQĐT, dù Thới, Thái giữ nguyên lời khai về việc đưa hối lộ cho CSGT và TTGT khi phúc cung và đối chất nhưng ngoài lời khai của họ không có tài liệu, chứng cứ nào khác, do đó chưa đủ cơ sở để kết luận những cán bộ giao thông mà họ khai đã có hành vi nhận hối lộ.
Còn Vân và một số người trong đường dây của mình dù có nhận dạng được một số cán bộ giao thông và giữ nguyên lời khai đưa hối lộ khi phúc cung và đối chất nhưng cũng như trường hợp của Thới, Thái, CQĐT cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở kết luận hành vi nhận hối lộ của các cán bộ giao thông mà họ khai.
Cũng theo CQĐT, VKS, các nội dung yêu cầu điều tra bổ sung của tòa trước đó đã được tiến hành đầy đủ, đúng thời hạn luật định. Và kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung vụ án. CQĐT giữ nguyên quan điểm về số lượng logo các bị can đã bán, số tiền thu được, số tiền từng bị can dùng đưa hối lộ, số tiền hối lộ.
Về việc bị cáo Thới tại tòa trước đó cho rằng bị bức cung nhục hình, Thới không nhận diện được người bức cung cũng như không có vết thương nên không xem xét. Cơ quan điều tra cũng phúc cung cũng như cho các bị can và người liên quan đối chất. Hầu hết tất cả bị can và người liên quan giữ nguyên lời khai ban đầu.
Theo hồ sơ, Thới đã làm quen với một số cán bộ lực lượng TTGT và CSGT Đồng Nai , Bình Dương, TP.HCM. Qua đó, Thới đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để một số cán bộ TTGT, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ nhận biết được và không xử phạt. Trong "phi vụ" này, Thới rủ người thân của mình là Thái cùng tham gia bán logo xe "vua”.
Pháp luật TPHCM