MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ mưu sát ông Trump lần 2 không quyết định cuộc bầu cử Mỹ: Muốn thắng bà Harris, ông cần nhiều hơn thế

21-09-2024 - 08:11 AM | Tài chính quốc tế

Chỉ 64 ngày sau khi sống sót thần kỳ trong vụ ám sát đầu tiên, ngày 15/9, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã trở thành mục tiêu của vụ ám sát không thành thứ hai.

Vụ việc xảy ra khi chiến dịch tranh cử đang bước vào giai đoạn nước rút và sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt giữa ứng viên Cộng hòa Donald Trump với ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris.

Vụ mưu sát cựu Tổng thống Trump lần thứ hai, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, xảy ra khoảng 50 ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống đang làm cho cuộc chạy đua vài Nhà Trắng trở nên khốc liệt và kịch tính hơn.

Ông Trump bị mưu sát lần hai

Ngày 15/9/2024, ông Trump chơi golf với Steve Witkoff, một trong những nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông, tại sân golf Trump's Palm Beach, nằm gần khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông. Vào khoảng 13h30 (giờ địa phương), các nhân viên Mật vụ Mỹ chịu trách nhiệm về an ninh và theo dõi tình hình tại hiện trường phát hiện nòng của một khẩu súng trường kiểu AK-47 chĩa qua hàng rào. Các đặc vụ đã nổ súng về phía người đàn ông cầm vũ khí, nhưng hắn ta bỏ chạy, bỏ lại khẩu súng trong bụi rậm. Hắn ta chưa bắn phát nào.

Vụ mưu sát ông Trump lần 2 không quyết định cuộc bầu cử Mỹ: Muốn thắng bà Harris, ông cần nhiều hơn thế- Ảnh 1.

Các nhân viên thực thi pháp luật làm việc tại hiện trường sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/9. Ảnh: Reuters

Cảnh sát trưởng hạt Palm Beach Rick Bradshaw cho biết, ông Trump lúc đó chỉ đứng cách khẩu súng chừng 350-400 mét. Với một khẩu súng máy được trang bị kính ngắm quang học như vậy, đây là một khoảng cách có thể dễ dàng bắn trúng mục tiêu.

Một nhân chứng ngay sau đó đã liên lạc với cảnh sát khi nhìn thấy nghi phạm nhảy ra khỏi bụi cây, leo lên chiếc xe Nissan màu đen, đồng thời chụp được ảnh biển số của chiếc xe. Nhờ camera giám sát, chiếc xe nhanh chóng bị theo dõi và chặn lại trên đường I-95, sau khi đi qua 15 bang từ Bắc tới Nam. Người đàn ông lái xe một mình và không có vũ khí.

Cảnh sát trưởng quận Martin William Snyder cho biết, người đàn ông bị bắt là Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, trong tình trạng “khá bình tĩnh”. Routh giữ im lặng trong thời gian bị bắt và có thái độ như một người đã nhiều lần chạm trán với cảnh sát. Chiếc xe hắn ta lái là của con gái.

Ngay sau vụ việc, ông Trump tuyên bố: “Tôi an toàn, không hề hấn gì và không có gì có thể ngăn cản tôi, tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc.”

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris - đối thủ chính của ông Trump trong cuộc tranh cử - đã được thông báo về vụ việc. Cả hai đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về những gì đã xảy ra và tuyên bố bạo lực chính trị là không thể chấp nhận được.

Trước đó, vào ngày 13/7, khi ông Trump đang phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, một âm mưu ám sát đã nhằm vào ông. Kẻ xả súng trèo lên nóc một tòa nhà bên ngoài địa điểm tổ chức sự kiện, cách nơi ông Trump đứng chừng 120 – 150 m và nổ súng. Một viên đạn đã sượt nhẹ vào tai phải của ông. Kẻ nổ súng, sau đó được xác định là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, đã bị các nhân viên Mật vụ Mỹ tiêu diệt ngay tại chỗ. Một trong những người tham gia sự kiện cũng thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Sau vụ ám sát ông Trump lần đầu tiên vào tháng 7, nhóm của ông đã yêu cầu tăng cường an ninh cho ứng cử viên. Hiện ông Trump đang ở Tháp Trump tại New York, xe ben được triển khai xung quanh tòa nhà; và tại các cuộc vận động ngoài trời, ông phải phát biểu sau tấm kính chống đạn.

Nước Mỹ đã chứng kiến nhiều cuộc bạo lực chính trị. Bốn tổng thống bị ám sát khi đang đương chức gồm Abraham Lincoln (1865), James Garfield (1881), William McKinley (1901) và John F. Kennedy (1963). Tổng thống đang đương chức bị thương nhưng thoát chết sau vụ ám sát duy nhất là Ronald Reagan. Vào năm 1981, ông Reagan bị bắn sáu phát đạn khi rời khách sạn Washington Hilton sau một buổi biểu diễn, và đã phải nằm viện gần hai tuần.

Ryan Wesley Routh là ai?

Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, sống phần lớn cuộc đời ở Bắc Carolina (Mỹ), nhưng đã chuyển đến Hawaii vào năm 2017, nơi hắn ta mở một công ty xây dựng nhà kho và nhà ở quy mô nhỏ. Năm 2012, Routh đã đăng ký với tư cách là cử tri độc lập và không ủng hộ một trong hai đảng. Năm 2020, Routh viết bài trên mạng xã hội ủng hộ ông Trump, nhưng gần đây lại chỉ trích đảng Cộng hòa; và đến tháng 3/2024, hắn đã bỏ phiếu ủng hộ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Vụ mưu sát ông Trump lần 2 không quyết định cuộc bầu cử Mỹ: Muốn thắng bà Harris, ông cần nhiều hơn thế- Ảnh 2.

Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, là một người ủng hộ nhiệt thành đối với Ukraine. Ảnh: Reuters

Routh là một người ủng hộ nhiệt thành đối với Ukraine. Routh đã đến Kiev tháng 3 và tháng 4/2022. Hắn ta kêu gọi gửi tất cả vũ khí hiện có của Mỹ cho Kiev. Ngoài ra, Routh còn khuyến khích công dân Mỹ làm lính đánh thuê và gia nhập “Quân đoàn nước ngoài” của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU).

Từ đó đến nay, Routh đã viết nhiều bài ủng hộ Ukraine, đồng thời tự mình xuất bản một cuốn sách dài 291 trang về cuộc xung đột ở Ukraine. Trong cuốn sách, Routh kể rằng ở tuổi 56, ông ta đã xin gia nhập AFU, nhưng không được chấp nhận do thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

Từ tháng 10/2023, Routh đóng vai trò đại diện không chính thức của chính phủ Ukraine để tìm cách chiêu mộ những người Afghanistan trước đây đã từng chiến đấu chống lại Taliban để phục vụ trong AFU.

Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng chấm dứt xung đột ở Ukraine "trong vòng 24 giờ". Kế hoạch hòa bình của ông Trump đề xuất “đổi lãnh thổ lấy hoà bình”.

Tại cuộc tranh luận với bà Harris vào ngày 10/9, ông Trump đã hai lần né tránh trả lời câu hỏi về việc liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không.

Cơ quan điều tra đang cố gắng xác định xem liệu đây có phải là nguyên nhân thúc đẩy Routh tìm cách giết ông Trump hay không?

Tác động của vụ ám sát đối với cuộc bầu cử

Khác với vụ mưu sát hồi tháng 7/2024, vụ việc lần này xảy ra sau cuộc tranh luận với bà Harris thiếu thuyết phục; và trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn nước Mỹ, ông Trump đã tụt lại phía sau, kém bà Harris trung bình 2-3%.

Vụ mưu sát ông Trump lần 2 không quyết định cuộc bầu cử Mỹ: Muốn thắng bà Harris, ông cần nhiều hơn thế- Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng, vụ mưu sát ông Trump có thể gây ra hậu quả kép, tranh thủ được lá phiếu của những người ủng hộ, nhưng lại kích động thêm các đối thủ chống lại ông. Ảnh: Reuters

Các nhà quan sát cho rằng, vụ ám sát này có thể tạo thêm lợi thế cho ứng cử viên của đảng Cộng hoà, giúp ông Trump giành lại được thế chủ động từ Phó Tổng thống Harris, và mọi người có thể quên đi cuộc tranh luận và chuyển sang thảo luận về sự gia tăng bạo lực chính trị ở Mỹ cũng như những hành động của đối thủ nhằm loại ông Trump khỏi cuộc đua bằng các biện pháp bất hợp pháp.

Trọng tâm hiện nay đang chuyển sang ông Trump và người Mỹ thấy rằng ông là nạn nhân của một hệ thống chính trị không muốn ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Vì vậy, điều này sẽ có lợi cho ông Trump.

Vị thế của ông Trump trong các cuộc thăm dò sau vụ ám sát có tăng lên, nhưng không đáng kể. Trong một cuộc thăm dò của The New York Times, ông Trump đã thu hẹp khoảng cách với bà Harris (47% so với 49%). Trong cuộc thăm dò của ABC News, ông Trump kém bà Harris ba điểm (45% so với 48%). Theo dữ liệu trên Polymarket, ông Trump đã giảm khoảng cách xuống mức tối thiểu (49% so với 50%). Cuối tháng 8, nền tảng này đã ghi nhận bà Harris hơn ông Trump 4%.

Các chuyên gia về Mỹ cho rằng, vụ ám sát này sẽ ít ảnh hưởng đến vị thế của ông Trump. Theo họ, để giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới, trong những ngày còn lại, ông Trump cần đấu tranh mạnh mẽ với bà Harris bằng cách đưa ra các chương trình ​​chính trị cụ thể của mình chứ không nên sử dụng quá nhiều hình ảnh ông bị mưu sát.

Các chuyên gia cho rằng, vụ mưu sát ông Trump có thể gây ra hậu quả kép, tranh thủ được lá phiếu của những người ủng hộ, nhưng lại kích động thêm các đối thủ chống lại ông. Sự phân cực sẽ ngày càng tăng, hiện đang diễn ra mạnh mẽ.

Đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới là Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã xóa bỏ vị trí dẫn đầu của ông. Các cuộc thăm dò được tiến hành kể từ khi hai ông bà Trump và Harris tranh luận trên truyền hình vào ngày 10/9 cho thấy bà Harris đang giành được lợi thế trước ông Trump, mặc dù cuộc đua vẫn còn rất sít sao.

Hai người Trump và Harris đang cạnh tranh để giành được sự ủng hộ của cử tri ở các bang chiến trường. Quyết định cuối cùng tùy thuộc vào cử tri Mỹ và sự lựa chọn của họ trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 5/11 tới.

Costas Panagopoulos - giáo sư khoa chính trị Đại học Northeastern (Mỹ) - nói với Newsweek: “Về chính trị, vụ ám sát thứ hai có thể củng cố thêm lá phiếu của những người ủng hộ ông Trump, nhưng không có khả năng thay đổi nhiều đối với những người độc lập và cử tri chưa quyết định. Vụ việc như vậy có thể khiến an ninh được tăng cường, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lịch trình vận động tranh cử.”

Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE, Iraq và một số nước Trung Đông

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên