Vụ nổ tàu Titan: Đã có lời giải cho 'tiếng đập kêu cứu' của 5 người mắc kẹt trên tàu
Trong giai đoạn đầu tìm kiếm, các thiết bị sonar của lực lượng tuần duyên Mỹ đã ghi nhận những âm thanh giống như tiếng đập mạnh cứ sau 30 phút một lần.
- 25-06-2023Hủy vé đi tàu lặn Titan vào phút chót, triệu phú người Mỹ may mắn thoát cửa tử
- 25-06-2023Chuyên gia: Đây là cách lý giải duy nhất cho vụ nổ tàu Titan, có một 'điều khác thường' được định sẵn sẽ dẫn tới thảm kịch
- 24-06-2023Vì sao 2 hành khách đã lo ngại về sự an toàn nhưng vẫn lên tàu Titan?
Tiếng động bí ẩn
5 hành khách tham gia chuyến thám hiểm trên tàu Titan đã thiệt mạng sau vụ nổ thảm khốc do áp suất quá lớn ở độ sâu dưới đáy đại dương.
Trong giai đoạn đầu tìm kiếm, các thiết bị sonar (hay còn biết tới là phao thủy âm) của lực lượng tuần duyên Mỹ đã ghi nhận những âm thanh giống như tiếng đập mạnh cứ sau mỗi 30 phút một lần.
Một số ý kiến cho rằng âm thanh này là tiếng đập vào thành tàu của những người đang mắc kẹt bên trong tàu Titan, nhằm phát đi tín hiệu kêu cứu. Tuy nhiên, các chuyên gia trước đó suy đoán rằng tàu Titan có khả năng đã phát nổ ngay sau khi gặp sự cố, nhanh tới mức 5 hành khách đã mất mạng khi chưa kịp cảm nhận nỗi đau.
Vậy thì âm thanh mà sonar của Tuần duyên Mỹ thu được là gì?
Lý giải của các nhà khoa học
Các nhà khoa học cho rằng tiếng động đó có thể phát ra từ các thiết bị tìm kiếm trong khu vực, từ các sinh vật biển như cá voi, thậm chí là âm thanh từ đáy Đại Tây Dương.
Theo Tiến sĩ Jamie Pringle, chuyên gia Khoa học Địa chất Pháp y tại Đại học Keele, đó là âm thanh 'nhân tạo', bởi đại dương vốn là một nơi rất ồn ào với các loại tàu nổi, tàu ngầm, tàu đánh cá và cả các tàu tìm kiếm (trong trường hợp này).
"Tiếng động có thể đến từ bất cứ nguồn nào và sóng âm thanh không phải lúc nào cũng truyền ra ngoài từ một nguồn, bởi các vùng nước thường được phân lớp, và sóng âm thanh truyền dọc theo các nguồn này" - Ông Pringle nói với tờ Mail (Anh).
"Tiếng động từ xác tàu Titanic ở độ sâu đó cũng khó có thể truyền lên mặt nước. Việc tiếng động được ghi nhận cứ sau mỗi 30 phút càng cho thấy đó là âm thanh nhân tạo và không phải do chân vịt của tàu hoạt động liên tục" - Ông Pringle cho hay.
Đại tá Jamie Frederick thuộc lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết, "tiếng đập" mà sonar ghi nhận được đã làm dấy lên suy đoán rằng 5 người trong tàu lặn Titan dùng sức đập vào thân tàu. Tuy nhiên, ngay cả khi những người này chưa thiệt mạng sau vụ nổ tàu thì tín hiệu từ việc dùng tay đập vào thân tàu cũng khó có thể được ghi nhận, do không thể gây ra tiếng động lớn.
"Nguồn âm thanh cần lớn dần lên để truyền được ra xa hơn, trong khi độ sâu 3,8km dưới nước là quá sâu để (âm thanh) truyền lên tới bề mặt nước và đo được", Tiến sĩ Pringle nhận định.
Matthew Schanck, người sáng lập tổ chức tìm kiếm và cứu hộ hàng hải Marsar International, cũng phán đoán rằng đó là âm thanh có nguồn gốc nhân tạo.
"Chúng tôi cho rằng tiếng động có thể đến từ một số nguồn" , ông Schanck nói, "dưới bề mặt đại dương là một môi trường ồn ào".
Các tàu triển khai phương tiện vận hành từ xa (ROV) trong cuộc tìm kiếm, bao gồm cả tàu mẹ Polar Prince, cũng sẽ gây ra tiếng ồn dưới nước.
Ông Schanck không cho rằng những tiếng động này phát ra từ mảnh vỡ của tàu Titan nhưng có thể phát ra từ tàu Titanic "nếu có các mảnh kim loại di chuyển xung quanh". Tuy nhiên, khả năng lớn nhất vẫn là âm thanh phát ra từ các tàu nổi và ROV được triển khai trong cuộc tìm kiếm.
Trả lời tờ Business Insider, Stefan B. Williams, giáo sư về robot biển tại Đại học Sydney, cho rằng động vật hoang dã như cá voi có thể gây ra tiếng ồn. Đó là bởi Bắc Đại Tây Dương là nơi sinh sống của một số loài cá voi, bao gồm cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương và cá voi xanh.
Trong khi đó, theo ông Jeff Karson - Giáo sư khoa học trái đất và môi trường tại Đại học Syracuse, bất cứ cách lý giải nào cho rằng đó là tiếng đập thân tàu của những người mắc kẹt đều là "mơ tưởng". Tiếng động đó chỉ có thể xuất phát từ xác tàu Titanic.
Phao thủy âm ban đầu được thiết kế để phát hiện những chiếc tàu U-boat của Đức trong Thế chiến II. Bất cứ tín hiệu âm thanh nào (do tàu U-boat gây ra) dưới nước mà đầu thu sóng phát hiện được đều sẽ được truyền tới máy bay qua máy phát vô tuyến.
Hiện nay, phao thủy âm được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả trong các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Chúng có thể lập bản đồ vị trí máy bay rơi, tàu đắm hoặc những người sống sót trên biển. Phao thủy âm từng được sử dụng vào năm 2014 trong nhiệm vụ tìm kiếm máy bay MH370 mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines.
Phụ nữ số