MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Ai sai cũng sẽ bị xử lý

04-08-2016 - 21:06 PM | Xã hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu như trên khi được các cử tri đặt vấn đề phải xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về công tác tại Hậu Giang.

Ai liên quan sẽ bị xử lý

Chiều nay (4.8), Đoàn đại biểu quốc hội TP.Cần Thơ, gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; ông Trần Thanh Mẫn - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Trần Quốc Trung - Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Phương - Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Xuân - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; bà Trần Thị Vĩnh Nghi – Bí thư Thành đoàn Cần Thơ – đã dự hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, quốc hội khóa XIV.

Tại hội nghị, các cử tri đã đề đạt ý kiến, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng đến các đại biểu Quốc hội, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề ông Trịnh Xuân Thanh gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Ông Vũ Cao Quân – nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP.Cần Thơ - cho rằng: Trong vụ việc này, trách nhiệm không chỉ có tỉnh Hậu Giang và Bộ Công thương, bởi trước đó, Hậu Giang đã 3 lần có văn bản xin chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng Chính Phủ không đồng ý. Tuy nhiên, sau đó ông này vẫn được luận chuyển về Hậu Giang.

Đồng Quan Điểm trên, Thiếu tướng Lê Xã Hội – nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Khu 9 - nêu quan điểm: Trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh, còn có trách nhiệm của ngành nội vụ, tổ chức, kể cả cấp Trung ương. Do vậy, cần làm rõ hết trách nhiệm những ai có liên quan.

Trả lời cử tri về vụ ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Ông Thanh, Trung ương không đưa về và cũng Không nằm trong danh sách luân chuyển, trong việc này có vai trò của Ban tổ chức Trung ương. Hiện tại, Ban tổ chức Trung ương đang kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm: "Khi ứng cử đại biểu quốc hội, ông Thanh do tỉnh Hậu Giang giới thiệu chứ không phải do Trung ương. Chúng ta có 496 đại biểu quốc hội, đáng tiếc là có 2 người không được công nhận tư cách đại biểu quốc hội (trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh). Nhưng cũng rất đáng mừng là vụ việc được phát hiện sớm, tránh tình trạng khi những người này trở thành đại biểu quốc hội thì phải làm các bước bãi nhiệm, miễn nhiệm rất phức tạp. Đối với vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ngành chức năng đang tiếp tục làm công tác cán bộ và làm rõ trách nhiệm thua lỗ ở PVC. Tổng Bí thư đã chỉ đạo sẽ làm tới nói tới chốn, ai sai cũng sẽ bị xử lý".

Đấu tranh tới cùng với tham nhũng

Một vấn đề khác được cử tri nêu bật là tình trạng tham nhũng vẫn còn phức tạp, dù các ngành, các cấp đã có những giải pháp quyết liệt để phòng chống. Theo Thiếu tướng Lê Xã Hội, tham nhũng thường đi từ những lãnh đạo cấp cao, do vậy, phòng chống tham nhũng phải đi từ cấp trên xuống cấp dưới.

Các cử tri cũng đề xuất nên cẩn trọng trong việc thông qua luật, tránh tình trạng sai sót như Bộ Luật hình sự vừa qua. Nếu luật sai mà đi vào cuộc sống sẽ rất nguy hiểm, trách nhiệm thông qua luật trước hết là của quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận vụ sai sót trong Bộ Luật hình sự vừa qua là một bài học quý báu, và điều này chưa từng có trong “lịch sử pháp luật Việt Nam”. Ngoài những luật cần thường xuyên sửa đổi, cũng có những luật cần ổn định lâu dài để tạo khung pháp lý vững chắc cho xã hội.

“Trong vụ Mobifone mua hơn 90% cổ phần của AVG, Ban Bí thư đã chỉ đạo làm rõ, không hề có chuyện “đánh trống bỏ dùi. Đối với tham nhũng sẽ làm quyết liệt và làm đến cùng”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi nói về vấn nạn tham nhũng.

Clip một số hình ảnh về hội nghị

Theo Trần Lưu

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên