MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ ớt có lãi, nhưng chớ vội đua nhau mở rộng diện tích

26-06-2017 - 20:00 PM | Thị trường

Ớt trở thành cây trồng hàng hóa và đã nhanh chóng vươn lên là một trong những loại cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân huyện thuần nông Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Vụ ớt năm nay, người dân lại thắng lợi lớn. Cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương đã phải tính đến việc quy hoạch vùng để đảm bảo sự phát triển cơ cấu bền vững của loại cây trồng này.

Lãi cao

Cây ớt ban đầu chỉ là cây trồng tranh thủ. Mỗi nhà vài cây, trồng kẹ bên bờ rào, giếng nước, góc sân... nhằm thu quả cho chính gia đình sử dụng. Như nhiều địa phương khác, cây ớt ở Phú Bình cũng tự phát phát triển tại một số hộ dân. Nhà ít thì vài luống, nhà nhiều có vài thước đến 1 sào.


Dù mới phát triển nhưng cây ớt đã đem lại hiệu quả cao cho nông dân huyện Phú Bình

Dù mới phát triển nhưng cây ớt đã đem lại hiệu quả cao cho nông dân huyện Phú Bình

Dải đất Phú Bình trải dọc dòng sông Cầu với nhiều bãi bồi, nhiều vàn xen kẹp chính là địa lợi để cây ớt cắm dễ, bén duyên. Lại thêm phía doanh nghiệp nhìn thấy thế mạnh đặc trưng đó đã đề nghị với cơ quan chức năng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt cho người dân.

Cây ớt nhanh chóng phát triển mạnh trên cả 3 mặt diện tích, năng suất, sản lượng. Nhiều mảnh vườn trước đây bỏ không hoặc trồng những cây kém hiệu quả giờ cũng được người dân phủ kín bằng những luống ớt.

Giống ban đầu đủ loại với ớt kim, ớt thóc. Mấy vụ gần đây, Cty TNHH Kibaco (trụ sở ở Quế Võ, Bắc Ninh) thông qua Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt của bà con.

Theo đó, gần 200 hộ dân thuộc các xã Tân Hòa, Lương Phú, Tân Đức được Cty cấp giống để gieo trồng, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc. Công ty sẽ đứng ra thu mua toàn bộ ớt của bà con với giá 16.000 đồng/kg. Nếu giá thị trường tăng, Cty sẽ tăng giá 10%.

Người dân tập trung trồng các loại giống cho năng suất đạt cao từ 1 - 2 tấn/ha là ớt Hiểm Lai 207, ớt GM 40. Ông Đào Duy Cấp (Xóm Nam Hương, xã Thanh Ninh) cho biết, mỗi sào ớt có năng suất từ 1,5 - 2 tấn quả. Chỉ cần nhân với giá 10.000 đồng/kg thì thu nhập cũng đạt 15 - 20 triệu/sào. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, giá ớt trung bình đều đạt khoảng 15.000 đồng/kg. Cá biệt, vụ ớt vừa qua, nhiều lúc giá lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg. Trung bình, cả niên vụ ớt năm nay, mỗi sào ớt cho thu nhập đạt 40 - 50 triệu đồng.

Nhờ cây ớt mà nhiều gia đình nơi đây đã thoát được nghèo và mức sống được nâng lên rõ rệt.

Vụ trồng ớt thường được bắt đầu từ tháng 8, tháng 9. Sau 3 tháng chăm sóc, cây ớt cho 6 lứa thu hoạch trong thời gian 6 tháng. Hiện tại, đang trong thời điểm của vụ thu hoạch ớt cuối cùng trong năm. Ông Nguyễn Văn Chất, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Ninh)cho biết, vì phát triển rầm rộ nên một số hộ dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng ớt. Theo đó, trồng ớt ở những chân ruộng thấp sẽ bị chết rút khi gặp trời mưa to và kéo dài. Mặt khác, phải chú ý đổi chân ruộng khi trồng ớt sẽ hạn chế được bệnh thán thư.

Về giống ớt, có hộ lại tận dụng giống từ chính những quả ớt do mình trồng ra nên năng suất sẽ giảm mạnh. Nếu trồng bằng cây giống không đảm bảo thì năng suất sẽ giảm 1/2, thậm chí là 1/3 so với việc trồng bằng cây giống tốt. Tốt nhất nên sử dụng giống của công ty Kibaco hoặc chủ động xây dựng vườn ươm giống.

Phát triển bền vững

Giá ớt đầu vụ vừa qua là 80.000 - 90.000 đồng/kg. Giá ớt hiện nay đạt 15.000 - 20.000 đồng/kg. Bà Dương Thị Thanh Nhàn, cán bộ khuyến nông xã Tân Đức cho biết, giá ớt thị trường tăng cao, trong khi giá ớt mà người dân ký hợp đồng với đơn vị bao tiêu chỉ là 16.000 đồng/kg nhưng các hợp đồng đã được thực hiện triệt để các nội dung, việc người dân phá hợp đồng, bán sản phẩm ra ngoài được hạn chế.


Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân xóm Tân Thịnh, xã Tân Đức cho hay, phía Cty đã cấp giống để bà con trồng, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con chăm sóc. Chỉ cần đạt được giá theo giá thu mua của hợp đồng thì thu nhập của bà con đã được đảm bảo. Nếu bà con chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà thu hái, bán trộm ra ngoài sẽ không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà lâu dài việc ổn định phát triển sản xuất khó bề giữ vững.

Bà Đồng Thị Minh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Đức được UBND xã giao cho giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa công ty bao tiêu sản phẩm và người dân. Bà Minh cho biết, vài năm trước, hiện tượng người dân thu hoạch và bán chui sản phẩm khi giá thị trường cao hơn giá thu mua là có thật. UBND xã đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp với Công an xã và cán bộ của doanh nghiệp đảm bảo việc giám sát từ trên sổ sách đến từng ruộng ớt đã có hợp đồng bao tiêu. Điều đáng mừng là bà con lại rất tự giác thực hiện hợp đồng. Điều đó khẳng định, người dân đã ý thức được việc phát triển ổn định, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Bình cho biết, dù đang là cây trồng cho thu nhập cao nhưng phía cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cân đối việc đảm bảo thu mua, nhu cầu từ các doanh nghiệp và nghiên cứu thị trường thì mới đề xuất mở rộng diện tích. Trước mắt, huyện đảm bảo giữ nguyên quy hoạch hiện tại về cơ cấu cây trồng, phân bố tại các địa bàn và khuyến cáo người dân tránh hiện tượng trồng tràn lan, phát triển nóng, không thể kiểm soát dẫn đến vỡ quy hoạch, phát triển không ổn định.

Theo Đồng Văn Thưởng

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên