MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ sân golf Phan Thiết biến thành khu đô thị: Không có cơ sở nói "lãnh đạo tỉnh câu kết chủ đầu tư"

06-07-2019 - 11:34 AM | Bất động sản

Thanh tra Chính phủ vừa có kết quả kiểm tra phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang khu đô thị.

Sau khi ông Đinh Trung, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận, có đơn phản ánh kiến nghị về việc chuyển đổi công năng của sân golf Phan Thiết sang khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc xác minh nội dung đơn phản ánh. Đến ngày 4/6, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra về vụ việc trên.

Xác minh quá trình chuyển đổi công năng của sân golf Phan Thiết sang khu đô thị, Thanh tra Chính phủ cho biết dự án sân Golf Phan Thiết (thành phố Phan Thiết) được cấp giấy phép đầu tư vào năm 1993, chủ đầu tư là Công ty Regent International Overseas Corp (100% vốn nước ngoài). 

Chuyển đổi giấy phép đầu tư nhiều lần, dự án sân golf Phan Thiết sau đó được tập đoàn Rạng Đông mua lại (Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển nhượng ngày 15/11/2013).

Theo đề nghị của công ty CP Rạng Đông, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp ngày 4/3/2014. Tại cuộc họp, tất cả các ý kiến đều nhất trí cao việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị. Sau đó, Ban thường vụ tỉnh ủy đã thống nhất để UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích hơn 620 nghìn m2 đất sân golf sang xây dựng khu đô thị.

Sau khi báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị là phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai.

Vì vậy, về phản ánh cho rằng: "lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã câu kết, móc ngoặc với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông xóa bỏ sân golf, sử dụng đất này để kinh doanh bất động sản như phân lô, bán nền, xây biệt thự, nhà cao tầng… để bán, chuyển nhượng là trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020", Thanh tra Chính phủ cho biết phản ánh này là không có cơ sở.

Về nội dung phản ánh cho rằng "việc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận không yêu cầu chủ đầu tư bố trí 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án là chưa đúng quy định của pháp luật về nhà ở xã hội", theo Thanh tra Chính phủ là có cơ sở một phần.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xin ý kiến và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, cho phép Công ty Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 2 khu đất khác có tổng diện tích 8,57 ha. 

"Việc làm này là chưa phù hợp với quy định bởi theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thì việc nộp tiền quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chỉ áp dụng đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô dưới 10ha.

Tuy nhiên trước khi thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng và đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn, do đó việc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận hoán đổi 20% quỹ đất dành xây dựng nhà ở xã hội "tuy không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng đã được Bộ Xây dựng, cơ quan hướng dẫn chuyên ngành cho phép là phù hợp", báo cáo của Thanh tra chính phủ nêu rõ.

Trong đơn kiến nghị, phản ánh của mình, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đinh Trung, cho rằng: "Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xác định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất chưa chính xác, có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước"- qua kết quả kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, điều này là có cơ sở một phần.

Dự án được chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngày 22/2/2015, trong đó xác định nguồn vốn đầu tư và vốn tự có của doanh nghiệp, vốn huy động và vốn vay thương mại. Tại thời điểm này, Luật Xây dựng năm 2014 đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nên các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng (tại văn bản số 3482/BXD-HĐXD ngày 30/12/2014).

Qua kết quả kiểm tra trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận giao Sở Xây dựng tỉnh này kiểm tra, rà soát lại thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và công tác nghiệm thu; rà soát, kiểm tra tổng chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng được kiểm toán so với chi phí đầu tư xây dựng được thẩm tra, trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư xây dựng trong phương án giá đất (1.693.637.072.523 đồng) thì tham mưu việc thu bổ sung tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách nhà nước.

Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện việc chuyển 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại Dự án theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo kiểm toán kèm theo văn bản số 24/KTNN-TH ngày 12/1/2018.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng rút kinh nghiệm trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương bảo đảm đúng tinh thần của luật chuyên ngành.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên