Vụ sản xuất hơn 50 triệu lít xăng giả: Nhiều bị cáo nói "không phạm tội như cáo buộc"
Chiều 31-12, phiên tòa sơ thẩm xét xử 16 bị cáo trong vụ án Giả mạo trong công tác và Sản xuất, buôn bán hàng giả, xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô tiếp tục phần tranh tụng.
- 30-11-2019Xăng dầu giả: Có tỉnh 100% mẫu xăng kiểm tra không đạt chất lượng
- 18-08-2019Chuyện chưa kể về đường dây sản xuất xăng giả lớn nhất cả nước
- 02-08-2019GĐ Chi nhánh Petro Bình Phước có quan hệ gì đường dây xăng giả Trịnh Sướng?
Theo đại diện cơ quan công tố bị cáo Trần Văn Đồng (cựu phó tổng giám đốc kiêm giám đốc Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô) phải chịu trách nhiệm chính về tội "Giả mạo trong công tác" và đồng phạm với vai trò giúp sức trong tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" trong vụ án buôn bán, sản xuất hơn 50 triệu lít xăng giả.
Tại tòa, nhiều bị cáo cho rằng bản thân không phạm tội như đại diện cơ quan công tố cáo buộc. Một số bị cáo cho rằng mức án VKS đề nghị là quá cao so với mức độ sai phạm vì bản thân chỉ làm theo chỉ đạo, tin tưởng người khác, không nhận thức rõ đó là hành vi sản xuất xăng giả ...
Tòa cảnh phiên tòa. Ảnh: Tòa án Quân sự Quân khu 7 cung cấp.
VKS truy tố bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng (cựu công nhân viên quốc phòng, làm việc tại Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam - Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô) về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". Ngoài ra, 14 bị cáo khác cũng bị truy tố tội danh này hoặc tội "Sản xuất hàng giả".
Căn cứ hồ sơ và lời khai tại tòa, VKS kết luận trong thời gian làm lãnh đạo, bị cáo Trần Văn Đồng làm giả bản sao quyết định nâng bậc lương và phiên quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho Lê Quang Hiếu Hùng. Sau đó, đồng bổ nhiệm Hùng vào vị trí phụ trách lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Nhờ đó, Hùng có điều kiện thực hiện nhiều thủ đoạn pha chế xăng giả, làm giả hồ sơ hợp thức hóa số hàng giả trên bán ra thị trường.
Cụ thể, Hùng quen biết Nguyễn Văn Phương (lãnh đạo Công ty Thái Sơn), Phan Trường Sơn và Lê Minh Anh (lãnh đạo Công ty Đông Phương). Lợi dụng chức năng ở các nhà máy do mình quản lý, các đối tượng bàn nhau pha chế xăng giả hòng kiếm lời.
Ngoài ra, Hùng còn bàn bạc cách pha chế xăng giả, tuồn hóa chất dùng pha xăng giả vào kho với nhiều đối tượng quản lý, làm việc tại kho VK102 thuộc Cục Hậu cần - Quân Khu 7. Các loại hóa chất sau khi nhập kho VK102 được pha trộn thành xăng rồi xuất bán ra thị trường.
Hùng thuê người hướng dẫn công thức, giới thiệu, tìm mua các loại hóa chất pha trộn làm giả xăng. Các đối tượng đã pha trộn các loại dung môi với hóa chất, bột màu tạo thành hơn 50 triệu lít xăng giả Ron 92, Ron 95.
Sau khi "phù phép" xăng giả trong kho, các đối tượng tiến hành bán ra thị trường. Theo kết quả định giá, hơn 50 triệu lít xăng giả nói trên có giá trị khoảng 800 tỉ đồng nếu bán ra thị trường như xăng thật.
Theo VKS, bị cáo Đồng phải chịu trách nhiệm chính về tội "Giả mạo trong công tác" và đồng phạm với vai trò giúp sức trong tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Trần Văn Đồng từ 9-11 năm tù, bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng từ 12-13 năm tù. Tương tự, những bị cáo còn lại bị đề nghị từ 5-12 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc những bị cáo hưởng lợi nộp lại số tiền tương đương với giá trị số xăng giả đã tiêu thụ ra thị trường (728 tỉ đồng). Bị cáo Hùng sẽ chịu trách nhiệm nộp lại 40% trong số đó.
Ngoài hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng và 2 bị cáo khác còn làm giả hồ sơ hàng hóa, thông qua pháp nhân Công ty Vạn Xuân vay vốn ngân hàng rồi dùng tiền vay mua dung môi, hóa chất pha chế xăng giả.
Sau đó, các bị cáo tiếp tục làm giả hồ sơ hàng gửi tại kho của Quân khu 7 để vay 505 tỉ đồng. Hiện các bị cáo không còn khả năng thanh toán nợ. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hùng và đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người lao động