Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Chủ phương tiện có phải chịu trách nhiệm?
Nếu lãnh đạo công ty biết tài xế Phạm Thành Hiếu có dùng ma túy, rượu bia mà vẫn giao xe container thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015.
- 03-01-2019Hệ thống phanh xe container gây tai nạn thảm khốc ở Long An hoạt động bình thường
- 03-01-2019Chuyến xe định mệnh của tài xế GrabBike trước khi thiệt mạng dưới bánh container ở Long An
- 03-01-2019Tai nạn thảm khốc tại Long An: Lái xe đầu kéo dương tính với heroin
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra lúc 15h20 ngày 2/1/2019 tại ngã tư Bình Nhựt (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khi dòng người đang dừng đèn đỏ thì bất ngờ chiếc xe container tông thẳng vào, nhiều người và xe bị văng ra đường, còn chiếc xe container tiếp tục di chuyển lên phía trước, lùa thêm một số xe máy rồi mới chịu dừng lại.
Hậu quả vụ việc khiến 4 người chết, hơn 10 người bị thương, 21 xe máy bị hư hỏng nặng và gây ùn tắc giao thông.
Đươc biết, kết quả xét nghiệm của tài xế container dương tính với heroin và có sử dụng rượu khi điều khiển phương tiện giao thông.
Vậy tài xế container trong vụ việc này đã có những hành vi vi phạm nào? Tài xế và chủ phương tiện giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Chế tài xử phạt vi phạm trong trường hợp này là gì?
Phóng viên Infonet đã có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn các nội dung liên quan đến quy định của pháp luật đối với một số cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ việc này.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng.
Thưa luật sư, việc tài xế trong vụ tai nạn ở Long An sử dụng rượu, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông đã vi phạm điều khoản gì và được quy định tại Luật nào?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng:
Việc sử dụng rượu và ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông được xếp vào nhóm hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008: Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy; Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Theo đó, tài xế container đã vi phạm điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Bên cạnh đó, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau:
"1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất"
Theo quy định này, việc tài xế sau 07 tiếng xảy ra tai nạn mới đến trình diện tại cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng Điều 38 của Luật Giao thông đường bộ 2008.
Ngoài ra, hậu quả vụ việc khiến cho là 3 người chết tại chỗ, 1 người chết trong bệnh viện và khiến 18 người khác bị thương, từ hành vi trên của tài xế đã đủ điều kiện cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Tài xế gây tai nạn thảm khốc sẽ đối diện với mức án như thế nào?
Như vậy, hành vi gây tai nạn khiến nhiều người tử vong, bị thương sẽ chịu trách nhiệm hình sự như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Như đã đề cập ở trên, hậu quả mà vụ tai nạn do tài xế Container gây ra thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Với hành vi gây tai nạn khiến nhiều người tử vong, bị thương của anh tài xế đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, anh tài xế phải chịu trách nhiệm hình sự tăng nặng theo quy định Khoản 3, Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
"3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên."
Ngoài ra theo quy định tại Khoản 5 Điều 260 BLHS thì "5.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.".
Về trách nhiệm dân sự: tài xế còn phải chịu trách nhiệm về dân sự theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Do đó, tài xế gây ra tai nạn sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân do hành vi của mình gây ra.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét trách nhiệm đối với chủ phương tiên trong vụ tai nạn kinh hoàng này, điều này có căn cứ pháp lý không, thưa luật sư? Nếu có thì ở tình huống nào và chủ phương tiện sẽ phải chịu hình thức xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Theo tôi được biết, chủ xe là một đơn vị kinh doanh xe vận tải. Do đó, trong vụ việc này, tùy thuộc vào từng trường hợp để xem xét trách nhiệm hình sự hoặc dân sự của công ty này.
Nếu đơn vị vận tải nếu kinh doanh hợp pháp, xe có đăng ký hoạt động và đảm bảo chất lượng lưu thông thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lúc này, đơn vị vận tải chỉ liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự trong vụ án với lỗi do nhân viên gây ra.
Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật"
Như vậy, nếu tài xế đang thực hiện nhiệm vụ được đơn vị kinh doanh xe vận tải giao thì công ty này phải bồi thường cho những thiệt hại đã xảy ra và có quyền yêu cầu tài xế phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật
Tuy nhiên, nếu lãnh đạo công ty biết tài xế Phạm Thành Hiếu có dùng ma túy, rượu bia mà vẫn giao xe container thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015.
Xin cảm ơn luật sư!
Infonet