Vụ tấn công vào trái tim dầu mỏ để lộ tử huyệt phòng không của Ả rập Xê út dù tiêu tốn hàng tỷ USD
Mua các thiết bị quân sự phương Tây, được thiết kế chủ yếu phòng thủ các cuộc tấn công tầm cao, đã khiến Ả rập Xê út thất thủ trước máy bay không người lái giá rẻ và tên lửa hành trình.
- 16-09-2019Vụ tấn công vào trái tim dầu mỏ Ả rập Xê út sẽ thổi bay nguồn dự phòng của cả thế giới
- 16-09-2019Dầu tăng giá chưa từng có sau khi nhà máy ở Ả rập Xê út bị tấn công, Trung Đông căng thẳng
- 01-08-2019'Con nhà giàu vượt sướng' như Hoàng tử Ả Rập: Được ví là Warren Buffett ở Trung Đông, sở hữu chuỗi nhà hàng chay và lập quỹ đầu tư vì môi trường
- 09-07-2019Hãng hàng không Ả Rập huỷ đơn hàng 6 tỷ USD mua Boeing 737 Max
- 09-04-2019Mỹ trừng phạt 16 công dân Ả Rập Xê Út liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Cuộc tấn công cuối tuần trước đã làm tê liệt một phần ngành công nghiệp dầu mỏ khổng lồ của Ả rập Xê út. Một nửa sản lượng dầu của quốc gia này, tương đương 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới, đã bị mất đi vì các vụ tấn công bằng máy bay không người lái. Nó cũng cho thấy quốc gia Vùng Vịnh đã chuẩn bị tệ như thế nào cho kịch bản bị tấn công.
Ả rập Xê út và Mỹ, đồng minh thân cận của họ, đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ tấn công. Một quan chức Mỹ còn tin rằng vụ không kích có thể bắt nguồn từ khu vực phía tây nam Iran. Ba quan chức khác của Mỹ cho biết vụ tấn công có liên quan đến cả tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Tehran đã bác bỏ những cáo buộc này đồng thời cho biết lực lượng vũ trang ở Yemen, nơi đang bị Ả rập Xê út và liên minh quân sự của nó không kích, đứng sau vụ tấn công vào trái tim dầu mỏ Ả rập Xê út. Houthi, lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn, cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công.
Ở Trung Đông, Iran là quốc gia có kho tên lửa hành trình và đạn đạo lớn nhất. Nó có thể áp đảo hầu như tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa của Ả rập Xê út. Ngoài lực lượng chính quy, Iran còn có những lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Trong khi đó, những cuộc không kích liên tục cho thấy khả năng phòng vệ kém của Ả rập Xê út. Trước vụ tấn công vào trái tim dầu mỏ, Houthi cũng tuyên bố thực hiện nhiều vụ không kích khác, bao gồm một vụ vào sân bay dân sự, các cây xăng cũng như mỏ dầu Shaybah.
Ả rập Xê út đã chi nhiều tỷ USD để mua hệ thống phòng không và vũ khí Mỹ. Tuy nhiên, các vụ tấn công làm dấy lên câu hỏi về năng lực của chúng.
Tên lửa phòng không mà Ả rập Xê út mua là Patriot, vốn được dùng cho phòng thủ tầm xa. Chúng chủ yếu được bố trí để bảo vệ các thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Riyadh. Chúng từng nhiều lần thành công trong việc ngăn chặn nhóm vũ trang Houthis bắn tên lửa vào các thành phố của nước này sau khi liên minh quân sự do Ả rập Xê út dẫn đầu tiến hành không kích ở Yemen vào tháng 3/2015.
Tuy nhiên, máy bay không người lái và tên lửa hành trình bay chậm và hoạt động ở độ cao thấp hơn nên rất khó để Patriots phát hiện và đánh chặn kịp thời. Máy bay không người lái là thách thức lớn cho Ả rập Xê út vì chúng thường bay dưới tầm của radar. Trong khi đó, quốc gia này lại có một đường biên giới dài với Yemen và Iraq nên nó càng dễ bị tổn thương.