Vụ tát nhân viên hàng không: Nữ tiếp viên có thể khởi kiện ra tòa?
“Khi các tiếp viên hàng không bị hành khách hành hung thì có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý đối tượng theo qui định của pháp luật”, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
- 24-10-2016Sa thải thanh tra giao thông hành hung nữ nhân viên hàng không
- 22-10-2016Đình chỉ công tác cán bộ xô xát với nữ nhân viên hàng không
- 22-10-2016Không nên quy trách nhiệm người can thiệp vụ đánh nhân viên hàng không
- Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ hành khách hành hung, tát nhân viên hàng không. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VP luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội: Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế thị trường đã mang lại những hiệu quả xã hội, đời sống của người dân được nâng lên. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái của kinh tế thị trường đã cho chúng ta thấy một thực tế là nhân cách, xã hội đang có xu hướng bị tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Cuộc sống ngày càng hối hả, mâu thuẫn lợi ích với nhau trong xã hội ngày càng lớn nên những ứng xử tốt đẹp với nhau trong giao tiếp hàng ngày ngày càng hiếm gặp.
Thay vào đó là xu hướng sử dụng bạo lực, cả trên thực tế và trên mạng xã hội. Chỉ vì những mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt đã khiến những người trẻ dù không quen biết cũng sẵn sàng hành xử chửi tục, lao vào đánh nhau dẫn tới những hậu quả rất đáng tiếc.
Xu hướng bạo lực như nhiều vụ việc hành khách hành hung, đánh chửi các nhân viên hàng không cũng phản ánh một thực tế việc vận chuyển hành khách qua đường hàng không đã bộc lộ một số bất cập gây bức xúc cho hành khách. Tình trạng chậm hủy chuyến diễn ra thường xuyên; trình tự, thủ tục lên máy bay vẫn còn có biểu hiện phiền nhiễu, ứng xử chưa tôn trọng hành khách,… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới những phản ứng chưa đúng mực của hành khách và phát sinh hành vi bạo lực do thiếu kiềm chế của hành khách.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VP Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội.
- Theo luật sư, các tiếp viên bị hành hung, bị tát có thể bảo vệ quyền lợi của mình thế nào?
Điều 32 Bộ luật dân sự 2005 qui định Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể “Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể”. Khi các tiếp viên hàng không bị hành khách hành hung thì có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý đối tượng theo qui định của pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ vụ việc, nếu việc hành hung chưa gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của tiếp viên thì Cảng vụ Hàng không có thể xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu vụ việc hành hung mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe nhân viên hàng không thì có thể chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra xử lý đối tượng theo qui định của pháp luật. Nếu nhân viên hàng không yêu cầu xử lý đối tượng và đi giám định tỷ lệ thương tật thì sẽ có căn cứ xử lý đối tượng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp nhân viên hàng không không yêu cầu xử lý người hành hung và từ chối giám định thương tích, thì các cơ quan pháp luật vẫn có thể xử lý hành khách liên quan về hành vi Gây rối trật tự công cộng vì gây mất trật tự chung, làm náo loạn sân bay theo Điều 245 Bộ luật hình sự.
Hình ảnh nữ tiếp viên hàng không bị khách tát ngày 18/10.
Ngoài trách nhiệm hình sự về hành vi hành hung nhân viên hàng không, hành khách còn phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo Điều 609 Bộ luật dân sự: 1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
- Trước những vụ liên tiếp hành hung tiếp viên, theo anh ngành Hàng không cần làm gì để bảo vệ nhân viên?
Theo quan điểm của luật sư, việc bảo vệ nhân viên trước sự hành hung của hành khách thì trước tiên phải tìm ra những nguyên nhân dẫn tới các vụ việc đó để từ đó hạn chế thấp nhất các sự việc đáng tiếc xảy ra với hành khách.
Để phòng chống các vụ việc hành hung đó, ngành hàng không phải luôn nâng cao chất lượng dịch vụ, đem lại sự hài lòng cho hành khách khi bay. Đưa ra các giải pháp kịp thời phục vụ hành khách, tăng cường các biện pháp đảm bảo kỹ thuật tàu bay để hạn chế thấp nhất các tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến bay gây bức xúc cho khách hàng.
Công khai minh bạch các lý do chậm chuyến hủy chuyến cho hành khách trước thời hạn nhất định, tránh việc làm mất thời gian đến sân bay mới được thông báo, trừ những trường hợp bất khả kháng như thời tiết mưa bão,..
Nâng cao văn hóa ứng xử giữa nhân viên hàng không với khách hàng, cử nhân viên hướng dẫn khách tự làm thủ tục, góp phần giảm thời gian chờ làm thủ tục của hành khách và giảm áp lực cho khu vực quầy thủ tục, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm. Khi thấy hành khách có biểu hiện gây rối thì cần thông báo ngay cho an ninh sân bay, tránh đôi co to tiếng với hành khách gây phản cảm với bạn bè quốc tế.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Infonet